TP HCM phải là trung tâm tài chính quốc tế

Thứ bảy, 19 Tháng 10 2019 16:37 (GMT+7)
Việc đưa TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế cần được xem là nhiệm vụ chung của cả nước và các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2019 chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" tổ chức ngày 18-10. Tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận các ý kiến của chuyên gia, đại biểu sẽ giúp TP hoàn chỉnh nhận thức về điều kiện, chức năng quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc gia để sớm hoàn thành đề án trình Chính phủ trong thời gian tới.

Khát vọng lớn

Ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp xu thế thời đại, TP HCM đã có khát vọng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP. Trước đó, từ năm 1998, Sở Giao dịch Chứng khoán đã được thành lập tại TP.

TP HCM phải là trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng trưng bày tại diễn đàn Ảnh: HOÀNG QUÂN

Theo lãnh đạo TP, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết đô thị trên thế giới, như New York (Mỹ) - dịch vụ tài chính chiếm 46% tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, London: 42%, Singapore: 29% và Thượng Hải: 27%. Điều này cho thấy mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành TP toàn cầu.

Hiện tại, ngoài 5 yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính đã đề ra trong đề cương là môi trường kinh doanh, con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính và danh tiếng của địa phương, lãnh đạo TP kỳ vọng các chuyên gia, đại biểu tiếp tục phân tích, làm rõ hơn nội lực của TP hiện nay, đồng thời giúp tìm con đường ngắn nhất để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

"TP HCM không đặt tham vọng trở thành trung tâm tài chính lớn nhất khu vực nhưng TP mong muốn là bạn để kết nối tất cả trung tâm tài chính trên thế giới và có đủ tự tin để làm điều đó" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế, ông Yue Yi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hồng Kông, đánh giá TP HCM có tiềm năng rất lớn để trở thành trung tâm tài chính. Phân tích cho nhận định này, ông Yue Yi nêu những đặc trưng của London, Luxembourg và Hồng Kông với vai trò là một trung tâm tài chính toàn cầu. Qua đó cho thấy hệ sinh thái của một trung tâm tài chính toàn cầu gồm 3 yếu tố: môi trường kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, hiệu quả ngành tài chính. Riêng TP HCM, cần nắm lấy cơ hội để trở thành trung tâm tài chính.

"Kỷ lục phát triển của Việt Nam rất đáng ghi nhận ở các quốc gia đang phát triển trong 30 năm qua. Kinh tế của Việt Nam rất năng động, đa dạng và có nhiều lợi thế như cải cách thị trường, Chính phủ Việt Nam có ý chí và mong muốn phát triển mạnh mẽ, lợi thế về nhân khẩu học, xã hội ổn định và điều kiện đầu tư tốt, ASEAN mang đến không gian phát triển rộng lớn. Việt Nam cũng đang ở vị trí thu được nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP" - ông Yue Yi nhận xét.

Sớm hoàn thiện đề án

Ấp ủ trong khoảng 20 năm và đã bỏ lỡ cơ hội, nay TP HCM quyết tâm phát triển thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, một trong những nguyên nhân theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, do ý tưởng này chưa từng được đề cập trong chiến lược phát triển của trung ương. Lần này, các chuyên gia kiến nghị phải đưa vấn đề xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và tiến tới toàn cầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

"Nếu lần này bỏ lỡ tiếp, chúng ta bàn cũng khó và nếu việc đưa TP HCM thành trung tâm tài chính không có trong chiến lược phát triển của quốc gia thì những nỗ lực của TP e là khó khăn. Quan trọng không kém, TP phải tiếp tục vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò bởi kinh nghiệm các nơi cho thấy muốn thành trung tâm tài chính phải thành trung tâm kinh tế, thương mại, đầu mối giao lưu, là nơi các doanh nghiệp "sếu đầu đàn" tới làm tổ. Để nâng cao hiệu quả, TP phải quay trở lại và tiếp tục xây dựng mô hình chính quyền đô thị" - TS Trần Du Lịch đề xuất.

Từ bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số trung tâm tài chính quốc tế, ông Ralf Dietl, Phó Tổng Giám đốc Công ty AS+P Chi nhánh châu Á (Thượng Hải - Trung Quốc), cho rằng TP HCM cần chuẩn bị nhiều về cơ sở hạ tầng, hệ thống kết nối tiện ích, đồng thời có chính sách thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy lợi ích từ các trung tâm thương mại trong tương lai gần. Lên kế hoạch về cách thức người dân sinh sống và hợp tác trong 10-15 năm tới để có hướng phát triển phù hợp.

Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay được kỳ vọng giúp TP có thêm nguồn tư liệu quý giá trong quá trình xây dựng Đề án "Phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế". Đề án đang được UBND TP HCM giao cho Công ty Đầu tư Tài chính TP phối hợp Trường ĐH Fulbright Việt Nam nghiên cứu.

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá trình bày của các diễn giả, chuyên gia cho thấy những điều kiện để TP trở thành trung tâm tài chính như phải có sông; phải có điều kiện sống tốt để các nhà đầu tư nước ngoài sống và làm việc đang được TP triển khai, như xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đồng thời, các điều kiện để trở thành trung tâm tài chính như nguồn nhân lực tốt; chính sách khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực tài chính; hệ thống hạ tầng viễn thông tốt cũng được TP đầu tư và sắp tới sẽ đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo. Những yêu cầu về kết nối giao thông tàu điện ngầm, sân bay quốc tế đều đang được TP triển khai, cùng với xây dựng đô thị thông minh...

"Các ý kiến của chuyên gia, đại biểu sẽ giúp TP hoàn chỉnh nhận thức về điều kiện chức năng quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc gia. Vừa qua, lãnh đạo TP đã thăm một số trung tâm tài chính như ở Hồng Kông (Trung Quốc), nay TP lắng nghe thêm các ý kiến để có thể hoàn thiện và trình Chính phủ đề án vào quý II/2020" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói. 

Chung sức ủng hộ TP HCM

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, TP hy vọng được Chính phủ xem xét Đề án "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" là đề án trọng điểm quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết giúp TP thực hiện thành công đề án và là cơ sở quan trọng để TP chuyển mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá TP HCM đã mạnh dạn thể hiện quyết tâm trở thành trung tâm tài chính. Đây cũng là nền móng cho việc phát triển thành trung tâm tài chính của quốc gia, khu vực và thế giới. Điều đó thể hiện khát vọng, tầm nhìn chiến lược, tư duy mang tính đột phá của lãnh đạo TP, thể hiện vai trò của TP.

"Khát vọng này đã ấp ủ trong 20 năm qua, nay tiếp tục triển khai, tuy muộn nhưng vẫn hơn chúng ta không làm. Đề án này phải ở tầm quốc gia, được sự ủng hộ, tham gia của Chính phủ và các bộ - ngành mới có thể chế vượt trội để thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Hiện Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa giấc mơ của cả nước và đây là xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện đại nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh, góp phần nâng tầm quốc gia lên vị thế mới.

"Vẫn còn một số quan điểm hoài nghi xây dựng trung tâm tài chính ở TP HCM nhưng nếu xét trên cục diện tổng thể và những yếu tố lợi thế riêng có của TP, chúng ta hoàn toàn làm được mà còn phải làm ngay, trì hoãn một chút có thể bỏ lỡ cơ hội quý giá" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá TP HCM không chỉ có vị trí địa lý chiến lược mà còn là nơi khởi đầu sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và sau này cũng tiếp tục có những chính sách mới, đột phá mới. Đây là điểm rất quan trọng và củng cố thêm niềm tin về những sáng kiến cho việc đưa TP trở thành trung tâm tài chính quốc tế như lãnh đạo TP theo đuổi mà giờ trở thành nhiệm vụ chung của cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP HCM là đầu tàu thì cần phải dồn lực nên rất cần có những cơ chế, chính sách vượt trội. Do đó, đề nghị các bộ - ngành cùng phối hợp chặt chẽ trên tinh thần khuyến khích và muốn có đột phá phải có chính sách vượt trội, riêng có. Trước hết, các tỉnh, thành trong khu vực và các địa phương cần chung sức để TP sớm thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.

Thu hút các tổ chức tài chính quốc tế

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, TP HCM cần kiên định thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP đã thực hiện gần 2 năm qua. Ưu tiên tập trung vào 4 đột phá chiến lược là thể chế; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng thanh toán; nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ.

TP HCM cần thu hút các tổ chức tài chính quốc tế tới đặt trụ sở giao dịch và mở rộng hoạt động tại Việt Nam; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ để góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động chu chuyển vốn cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính. Đồng thời tạo điều kiện thu hút lực lượng chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, quản lý hành chính công, khoa học - công nghệ..., phấn đấu đưa TP trở thành một trong những nơi đáng sống và làm việc trong khu vực và quốc tế.

THÁI PHƯƠNG - XUÂN MAI - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế