Người tiêu dùng ngày càng chuyển đổi thói quen mua sắm, không còn so sánh giá sản phẩm, mà quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu. Chính vì vậy, đơn vị sản xuất cần sớm tiếp cận những phương thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hiệu quả gắn với quy trình sản xuất xanh, sạch.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh hội nhập và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tập trung nâng cao giá trị, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nông sản đang là hướng đi sống còn cho sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Steven Starmans, Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD nhấn mạnh, Việt Nam đang có hạn chế là doanh nghiệp sản xuất, người nông dân làm ra sản phẩm tốt nhưng thiếu sự quảng bá và xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Thực tế hiện nay, nhiều nơi, người nông dân còn trồng tự phát theo kiểu ai biết thì mua, mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó, theo ông Steven Starmans, vấn đề hiện nay trên thị trường toàn cầu là niềm tin của người tiêu dùng đối với đơn vị sản xuất. Do đó, doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, chứng nhận, mà điều cần làm là giúp cho người tiêu dùng hiểu được nguồn sản phẩm họ sử dụng, quy trình sản xuất chế biến...
Nhiều người tiêu dùng đã chuyển đổi thói quen mua sắm, không còn so sánh giá sản phẩm, mà quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu sản phẩm. Cụ thể, người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng nông sản, đặc sản tự nhiên hoặc được sản xuất theo quy trình xanh, sạch.
Chính vì vậy, đơn vị sản xuất cần sớm tiếp cận những phương thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hiệu quả bằng câu chuyện bản địa với quy trình sản xuất. Cùng với đó, doanh nghiệp phải quan tâm đúng mức đến khâu khảo sát nghiên cứu thị trường tiêu dùng để giới thiệu ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Định hướng thông tin thị trường cho người sản xuất
Theo các chuyên gia, giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị cho nông sản là phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiện đại, có liên kết chặt chẽ từ giai đoạn sản xuất đến giai đoạn phân phối, tiêu dùng dựa trên cơ sở sản xuất theo hợp đồng, áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy trình kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hướng phát triển nói trên cũng đang được tỉnh Đồng Tháp hướng tới. Theo bà Võ Phương Thuỷ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, thời gian qua, để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, Sở phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tìm một nhà phân phối hoặc một doanh nghiệp lớn để dẫn dắt chuỗi. Nghĩa là mời doanh nghiệp về thông tin cho hộ nông dân, cơ sở sản xuất những tiêu chuẩn sản phẩm, kể cả việc thiết kế đóng gói, bao bì nhãn mác như thế nào để đưa ra thị trường được.
Cùng với đó, Sở thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường cho hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp tại tỉnh nắm rõ để có định hướng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Bên cạnh câu chuyện xây dựng và quảng bá thương hiệu, theo các chuyên gia, các sản phẩm đặc sản truyền thống mang tính sáng tạo cho phù hợp với xu hướng thị trường, cùng với việc “khoác lên” cho sản phẩm các bao bì bắt mắt, đang là hướng đi mới giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Các Thủy, đại diện Công ty TNHH Tây Cát (tỉnh Đồng Tháp) đã chia sẻ câu chuyện thành công của mình nhờ tạo ra sự khác biệt của sản phẩm. Theo đó, Công ty Tây Cát cho ra mắt các sản phẩm đặc sản, độc đáo như bánh chuối phồng, nhờ sự kết hợp giữa mứt chuối với bánh phồng; đồng thời kết hợp với bao bì bắt mắt sẽ cho ra một sản phẩm hiện đại, nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm nhưng vẫn có “hồn” từ sản phẩm truyền thống.