Thúc đẩy “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - tăng cường hội nhập thị trường”

Thứ bảy, 09 Tháng 11 2019 09:15 (GMT+7)
Diễn đàn Mekong connect 2019 diễn ra ngày 7-11, tại TP Cần Thơ, với chủ đề: “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - tăng cường hội nhập thị trường”. Tại diễn đàn này, nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp… mang đến những ý tưởng, kiến giải mới để giúp ĐBSCL phát triển nông nghiệp bền vững.

Liên kết chuỗi và các cơ hội mới

Tỉnh Đồng Tháp giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại diễn đàn Mekong Connect 2019. Ảnh: N.H

Ở ĐBSCL, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Trong đó, phát triển loại hình doanh nghiệp liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao và phổ biến nhất tại vùng; loại hình này thể hiện chủ yếu thông qua mô hình liên kết gắn với cánh đồng lớn. Trên cơ sở đó, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất nông sản với sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp tham gia và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. ĐBSCL có khoảng 1.500 hợp tác xã nông -lâm -thủy sản, chiếm 11,8% cả nước và có 17.000 Tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 26,7% cả nước. Các doanh nghiệp lớn đã đầu tư phát triển sản xuất và thực hiện liên kết bền vững với các hộ nông dân tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến và cho nhiều thành tựu quan trọng, nhất là công nghệ 4.0 đã bắt đầu được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song nông nghiệp ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đứng trước thách thức mới. Trước hết là sự cạnh tranh thị trường nông sản gay gắt hơn, ngay cả trên sân nhà. Yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bản quyền, trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn về môi trường… Trong khi đó, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa trở thành chủ đạo. Các mô hình liên kết, doanh nghiệp thường thông qua mô hình thương lái thu gom nông sản, chưa quan tâm đến phát triển liên kết trực tiếp với người dân. Về tổ chức sản xuất, chủ yếu dựa vào nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, hiện chỉ khoảng 16,09% có liên kết.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần RYNAN AgriFoods cho rằng, 3 khó khăn lớn nhất của ĐBSCL là: xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, sâu bệnh nhiều và thiếu lao động nông nghiệp. Nguyên nhân thiếu lao động là do công nghiệp, đô thị hóa quá nhanh, các lao động trẻ ở vùng nông thôn không chịu làm nông dân mà tìm việc tại các khu công nghiệp. Do đó, ĐBSCL đang rất cần những công cụ hỗ trợ từ công nghiệp, công nghệ và cả những nền tảng thương mại điện tử để nông dân mình bán nông sản. Chúng ta cần những chuyên gia để giúp cho các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ được thông minh hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn để ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững. Về nông nghiệp, không riêng gì canh tác, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì, thương mại điện tử, mà nó là cả một chuỗi giá trị - thứ mà cả nông dân và người tiêu dùng đều cần.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) chính thức có hiệu lực, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) đang chờ phê duyệt, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như vùng ĐBSCL có nhiều cơ hội mới. Đó là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển chế biến nông sản, mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế và có cơ hội tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ  thuật - công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Thời gian tới, ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển theo hướng thị trường, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các tiểu vùng và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, để có thể tận dụng những cơ hội và vượt qua những thách thức, không có gì hơn đó chính là sự liên kết để cùng phát triển. Liên kết ngang và liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, liên kết giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp chế biến và phụ trợ, liên kết giữa các tỉnh để tạo ra sự lan tỏa về kinh tế, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý sử dụng tài nguyên… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành với ĐBSCL để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường. Bộ sẽ tiếp tục cùng các địa phương vùng ĐBSCL thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hệ thống cung ứng nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Những vấn đề đặt ra

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trưng bày sản phẩm tại diễn đàn.

Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 3%/năm trong giai đoạn 2016-2018, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm), đóng góp 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Năm 2018, vùng ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,34 tỉ USD. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh. Xuất khẩu ĐBSCL chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước, 95% cá tra, 60% tôm và khoảng 65% trái cây. Như vậy, có thể nói ĐBSCL không chỉ là vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam mà còn là vùng nông nghiệp quan trọng của khu vực và thế giới.

 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ: “Tỉnh Đồng Tháp rất tự hào khi có một mô hình “doanh nghiệp đi trước rước doanh nghiệp đi sau”. Thông qua các câu lạc bộ, những không gian sinh hoạt, chúng tôi đã kết nối được rất nhiều các chuyên gia đến để hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin về mặt thị trường, quản trị, văn hóa doanh nghiệp. Việc này giúp doanh nghiệp đứng vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và tác động giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm năng lượng và tư duy mới. Tôi cho rằng, việc liên kết không chỉ dừng lại ở 4 địa phương, tới đây liên kết sẽ mở rộng ra, kết nối với các địa phương còn lại trong vùng, tạo ra mạng lưới liên kết toàn vùng, tạo ra sức mạnh mới bổ sung nguồn lực cho nhau. Trong mối liên kết đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy hình thành những hội ngành hàng, gắn kết các nhà khoa học với nông dân và với thị trường. Những hội ngành hàng này sẽ gợi mở, kiến nghị chính sách, chiến lược giúp ĐBSCL mạnh lên”.  

Hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL đều đã định vị và xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mang đậm bản sắc của địa phương. Tỉnh Bến Tre đang có thế hệ doanh nhân mới đầy tiềm năng, nhiệt huyết, hoài bão trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp của tỉnh phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện mình để kịp thích nghi với sự thay đổi này. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng, cùng với lợi thế tài nguyên bản địa đó là “con người”, “sản vật địa phương”,  kỳ vọng tài nguyên bản địa của quê hương Đồng khởi khi kết hợp sức mạnh công nghệ, khởi nghiệp bằng trí tuệ sẽ trở thành bệ phóng đưa khởi nghiệp tỉnh Bến Tre vươn xa trong thời gian tới. Để hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh ngày càng hoàn thiện, từng bước kiến tạo và xây dựng tỉnh trở thành “Địa phương khởi nghiệp” thì cần thiết phải có sự liên kết với mạng lưới khởi nghiệp của vùng và quốc gia.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, nhóm ABCD Mekong đã và đang thực hiện khá tốt vai trò người tạo lập diễn đàn để chia sẻ, đổi mới và phát triển. Sức sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp là vô cùng to lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối, hoạch định chính sách để khai thông sức sáng tạo. Nhóm ABCD Mekong ý thức rằng, nếu chỉ dừng lại ở 4 thành viên thì sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế cho hợp tác liên kết vùng. Do đó, Mekong Connect sẽ nỗ lực thúc đẩy liên kết công bằng hướng đến hội nhập căn cơ và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế