Đây là thông tin được các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách và Oxfam đưa ra tại Diễn đàn "Chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam - Hướng tới một hệ thống thuế công bằng" diễn ra sáng 13/11/2019 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý Chương trình Cấp cao về Quản trị, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam khẳng định, thuế là nguồn tài chính quan trọng cho phát triển, giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng. Ở Việt Nam, nguồn thu ngân sách từ thuế qua các năm giảm dần, thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (2010), xuống 23,7% GDP (năm 2016).
Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua được bà Nguyễn Thu Hương chỉ ra là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010 xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.
Tại diễn đàn, hai báo cáo nghiên cứu quan trọng, lần đầu tiên được thực hiện một cách công phu và khoa học tại Việt Nam đã được công bố. Đó là Báo cáo Chi tiêu thuế ở Việt Nam, trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp; Xây dựng Báo cáo chi tiêu qua thuế - Kinh nghiệm quốc tế và Khuyến nghị cho Việt Nam.
Trình bày Báo cáo Chi tiêu thuế ở Việt Nam - Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp, Thạc sĩ Hoàng Chinh Thon - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết: Theo thông lệ quốc tế, thất thu thuế là phần thuế bị mất đi do tránh thuế, trốn thuế và chi tiêu thế. Chi tiêu thuế là phần thuế mà Chính phủ không thu được do ưu đãi thuế. Nói cách khác, đây là phần chênh lệch giữa số thu thuế thực tế và số thu thuế theo hệ thống chuẩn.
Theo bà Thon, với báo cáo này, lần đầu tiên, các chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế của Việt Nam được phân tích và lượng hóa. Ước tính, năm 2012-2016, tổng ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách nhà nước chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế.
Dẫn số liệu trong báo cáo, bà Thon cho hay: Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi đó số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6% (2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế (tổng số tiền của cả chính phủ và người dân). Tức là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế.
"Ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%", bà Thon nói.
Phân tích của nghiên cứu cho thấy rằng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Và nếu cắt giảm các ưu đãi Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày cáo tại diễn đàn.
Phân tích tác động chi tiêu thuế TNDN, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Thuế TNDN là một nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước. Các biện pháp ưu đãi thuế có thể tác động đáng kể đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công cao.
TS. Nguyễn Tiến Dũng nhận xét, mức độ ưu đãi thuế TNDN khá cao và tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể. Trên phương diện phân phối thu nhập, các nhóm thu nhập cao hưởng lợi phần lớn các ưu đãi thuế, và do đó bị tác động mạnh bởi việc xóa bỏ ưu đãi thuế. Các nhóm thu nhập thấp hưởng lợi từ việc giảm bớt các ưu đãi thuế và tăng cường các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Việc mở rộng các ưu đãi thuế và duy trì nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế giá trị gia tăng có thể tạo ra các tổn thất đáng kể cho tất cả các nhóm dân cư.
Từ nhận xét này, TS. Nguyễn Tiến Dũng đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần sử dụng các ưu đãi thuế một cách chọn lọc và có hiệu quả đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công cao.
Trong khi đó, Chuyên gia quốc tế về thuế của Oxfam, ông Johan Langerock đưa ra hai khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam. Một là loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động và hai là với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề cạnh tranh về thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này", ông Johan Langerock đề xuất.
Cuối cùng, mặc dù các tính toán của các chuyên gia cho ra những con số rất đáng chú ý, nhưng các tính toán này cũng có hạn chế khá lớn. Bộ số liệu điều tra doanh nghiệp vốn chỉ cung cấp lợi nhuận kế toán gộp và số nộp thuế chung của các doanh nghiệp. Trong khi đó, có một sự khác biệt không 4 CHI TIÊU THUẾ Ở VIỆT NAM nhỏ giữa kế toán về thuế và kế toán thông thường. Hơn nữa, một doanh nghiệp có thể thực hiện rất nhiều dự án trong các ngành kinh tế khác nhau và các ưu đãi cũng được áp dụng chủ yếu theo ngành kinh tế. Do đó, nhóm chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu không tiếp cận được với lợi nhuận và số nộp thuế theo lĩnh vực hoạt động là một thiếu sót không thể không đề cập đến. Nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp cận với hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp để nâng cao tính chính xác của các tính toán về chi tiêu thuế trước khi đưa ra những khuyến nghị chính sách cụ thể hơn.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) chia sẻ tại sự kiện.
Nhận xét về báo cáo trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, chiến lược cải cách thuế mà Việt Nam đang theo đuổi theo Quyết định số 732/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Về việc phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 có giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính phải thực hiện việc rà soát ưu đãi thuế để minh bạch hóa, đơn giản hóa thuế. Và mấy năm nay, cơ quan thuế đã thực hiện việc rà soát rất nhiều.
"Ví dụ, trước đây, nếu theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta cho ưu đãi DN nước ngoài cao hơn ưu đãi DN trong nước. Theo đó, DN trong nước nộp thuế TNDN 32%, nhưng DN nước ngoài chỉ phải nộp 25%; miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm toàn DN nước ngoài được hưởng", ông Phụng thông tin.
Cũng theo ông Phụng, từ năm 2005, chúng ta có Luật Đầu tư, trong đó áp dụng mức ưu đãi thuế TNDN cho DN trong và ngoài nước như nhau. Đến năm 2008, Luật Thuế đã hoàn toàn bãi bỏ nhiều ưu đãi: thứ nhất là DN nước ngoài và DN trong nước cùng một tiêu chí, chỉ còn ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Tuy nhiên, so sánh với Luật Thuế năm 2013, tức là Luật Thuế sửa đổi năm 2008 thì ngành nghề ưu đãi còn rút bớt đi nữa.
"Năm 2013, 2014 chúng ta mở ra ưu đãi cho DN nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là quyết định tốt vì đại bộ phận DN Việt Nam là DNNVV. Nhưng cũng tủi thân cho DNNVV vì nhỏ quá nên trong báo cáo nghiên cứu nếu so sánh tổng số thuế thì thấy DNNVV được hưởng ít", ông Phượng nhìn nhận.
Từ đó, ông cho rằng, "báo cáo trên có một điểm khiếm khuyết mà chúng ta phải link, phải nêu là 97% DN Việt Nam là DNNVV và đóng góp của cộng đồng DN này hết sức khiêm tốn vào ngân sách. Cho nên, phải so sánh cái lẽ ra họ đóng góp, chứ nếu so sánh với tổng ngân sách thì lại méo mó. Theo báo cáo này, DN to được hưởng nhiều ưu đãi, DN nhỏ được hưởng ít ưu đãi. Về mặt quy mô là đúng. Doanh số của DN 100 nghìn tỷ được hưởng 50% rõ ràng khác với DN nhỏ".
Theo link (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)