Công nghệ 4.0 mở lối cho nông nghiệp đồng bằng

Chủ nhật, 22 Tháng 12 2019 19:17 (GMT+7)
Trước những diễn biến của biến đổi khí hậu, áp lực nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã mạnh dạn ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, cản ngại, nhưng với việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất đã giúp nền nông nghiệp ĐBSCL dần chuyển đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.
 
Tiếp cận
Trồng rau thủy canh tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, TP Cần Thơ.
 
Tại TP Cần Thơ, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng IoT (Internet of Things) vào sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích, nhân rộng. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện thành phố có những mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa; Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây tại Cần Thơ Farm; Mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái (quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ); Mô hình ứng dụng đèn led thắp sáng, xử lý ra hoa trái vụ trên cây thanh long (huyện Thới Lai)… Từ thực tế trên có thể thấy, nông dân, doanh nghiệp TP Cần Thơ đã thể hiện sự quan tâm và đón nhận công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp mặc dù số lượng và mức độ chưa đồng đều”.
 
Ở góc độ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizers, tỉnh Trà Vinh, nhấn mạnh: Thực tế, chúng ta không cần phải tốn những khoản tiền khổng lồ để thuê chuyên gia nước ngoài hay mua những máy móc tối tân mà chính các kỹ sư, nông dân ĐBSCL trong vùng hoàn toàn có đủ năng lực thực hiện được những ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Hiện công ty chúng tôi có máy nông nghiệp “3 trong 1” do các kỹ sư được đào tạo từ Trường Đại học Cần Thơ đã được đưa vào phục vụ sản xuất. Đó là những chiếc máy kết hợp 3 chức năng: sạ cấy, vùi phân, phun vi sinh với công thức chuẩn và độ ổn định cao trên quy mô canh tác lớn. Người nông dân chỉ cần điều khiển cho máy chạy thẳng hàng là có thể hoàn tất gần như trọn vẹn cả quy trình canh tác. Ngoài ra, công ty chúng tôi cũng sản xuất và cung ứng các phao, công cụ cảm ứng có kết nối thông qua điện thoại thông minh đã hoàn toàn loại bỏ việc quan trắc mực nước, độ mặn… một cách thủ công và không chính xác.
 
Theo các chuyên gia, nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay. Riêng đối với Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, dựa vào điều kiện khí hậu, sản phẩm đặc thù, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, trình độ lao động… nên lựa chọn mô hình, công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất. Trong đó, những ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở nước ta có thể kể đến như: chăn nuôi bò sữa, heo, gà, tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả, nấm ăn, nấm/cây dược dược liệu, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu... Các ngành hàng này đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0: tự động hóa, sử dụng rô-bốt, ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh…
 
Cụ thể hóa các bước đi
 
Những lợi ích mang lại từ nông nghiệp 4.0 là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ này vào thực tế thì không hề đơn giản. Hiện nay, việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 chưa được thực hiện sâu rộng và còn mang tính tự phát; việc tiếp cận với các thành tựu công nghệ 4.0 còn hạn chế; quy mô ứng dụng còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa theo kịp với định hướng. “Chúng ta đã nói quá nhiều về công nghệ cao, công nghệ 4.0 nhưng nếu chúng ta không gắn cụ thể vào thực tế của vùng để có những bước đi rõ ràng, thì đó sẽ mãi là những câu chuyện xa vời. Thậm chí, đối với nông dân là chủ thể chính của nông nghiệp 4.0 sẽ thờ ơ không quan tâm vì cho rằng đó là những thứ ngoài tầm với, không phải nhiệm vụ của họ”- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizers, cảnh báo.
 
Từ thực trạng trên, theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, Nhà nước cần tập trung đầu tư vào đổi mới và sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ 4.0 phù hợp với từng địa phương; khuyến khích doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế mạnh dạn khởi nghiệp, đổi mới và ứng dụng thành tựu 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cũng cần chú trọng bồi dưỡng đào tạo tập huấn, cập nhật công nghệ- thiết bị thông minh cho cán bộ quản lý, nông dân, doanh nghiệp mới ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp 4.0 một cách đồng bộ, rộng khắp. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp 4.0, ông Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp 4.0 của cả nước và cho từng vùng sinh thái. Trong đó, nêu rõ bối cảnh thế giới và Việt Nam; thị trường tiềm năng; tiêu chí cần đạt; thuận lợi, khó khăn khi áp dụng nông nghiệp 4.0.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, Nhà nước cần tập trung phát triển đồng bộ về thương mại điện tử, thương mại không kho bãi (outlet) để giảm chi phí sản xuất… Về chính sách, cần có một chiến lược dài hạn, hình dung được bức tranh nông nghiệp Việt Nam năm 2030, 2050 và 2100 như thế nào để có quy hoạch và vạch lộ trình đầu tư cụ thể, rõ ràng và mang lại hiệu quả cao nhất. 
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế