Để hoạt động khu công nghiệp hiệu quả

Thứ bảy, 28 Tháng 12 2019 12:39 (GMT+7)
“Ly nông không ly hương” vẫn là mong muốn của nhiều người lao động An Giang. Khi hoạt động trong các khu công nghiệp tỉnh đủ sức hút, người lao động sẵn sàng gắn bó lâu dài, ổn định.
Hấp dẫn khu công nghiệp
 
Có ý kiến cho rằng, An Giang là tỉnh nông nghiệp, không phù hợp và không cần thiết phát triển khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng ruộng ngày càng cơ giới hóa, hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm thì những gia đình không có ruộng đất hoặc có ít ruộng đất thường lựa chọn lên các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều KCN lớn để tìm việc làm. “Chúng tôi muốn đi làm gần nhà nhưng phần vì việc làm tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phần vì thu nhập chưa thật sự hấp dẫn. Lên Bình Dương, anh em, bạn bè gom lại cùng một chỗ trọ để giúp đỡ, san sẻ nhau. Hàng tháng cũng có tích lũy gửi về cho mẹ già lo tụi nhỏ ăn học và có vốn làm ăn sau này” - anh Bùi Minh Tân (xã Bình Thạnh, Châu Thành) bộc bạch.
 
Trên thực tế, nhu cầu tìm quỹ đất sạch để đầu tư sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn. Bằng chứng là hoạt động của các cụm công nghiệp Phú Hòa (Thoại Sơn), Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) luôn diễn ra sôi động, trong khi các KCN trọng điểm như: Bình Long (Châu Phú) đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, KCN Bình Hòa (Châu Thành) sắp được lấp đầy 100%.
 
Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất gia công giày dép quy mô 5,7ha tại KCN Bình Hòa cho Công ty TNHH Giày Chingluh Việt Nam chi nhánh An Giang. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD, dự kiến tạo ra thêm rất nhiều việc làm cho lao động trong tỉnh. Trước nhu cầu về quỹ đất sạch của các nhà đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đang phối hợp UBND huyện Châu Thành tập trung thực hiện quy trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng KCN Bình Hòa thêm 30,38ha. Khi các dự án FDI đã đăng ký đạt 100% công suất, số lao động địa phương được giải quyết việc từ 13.000 người như hiện nay sẽ được nâng lên gần 30.000 lao động.
 
 
Sức hấp dẫn của các KCN trên địa bàn An Giang là rất lớn khi có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn đầu tư vào KCN theo hướng ứng dụng công nghệ cao, KCN thông minh. Điển hình như ở KCN Xuân Tô (Tịnh Biên), sau thời gian dài gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư thì gần đây, Hiệp hội xúc tiến KCN Smart Hàn Quốc đang nghiên cứu đầu tư dự án KCN thông minh Hàn Quốc tại đây, với diện tích 150ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 820 triệu USD. Hoạt động nghiên cứu này được UBND tỉnh thống nhất về chủ trương; Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã cung cấp thông tin và hướng dẫn các thủ tục để Hiệp hội xúc tiến KCN Smart Hàn Quốc triển khai các bước tiếp theo.
 
Tại KCN Vàm Cống (TP. Long Xuyên), KCN Hội An (Chợ Mới) cũng đã có các nhà đầu tư đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng. Trong đó, KCN Vàm Cống được đầu tư theo hướng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.370 tỷ đồng, kỳ vọng tạo điểm nhấn cho cửa ngõ TP. Long Xuyên.
 
Cần quan tâm người lao động
 
Khi có thêm nhiều DN lớn đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh, số lượng việc làm tạo ra cũng lớn hơn. Để có đủ nguồn lao động cho các nhà máy lớn, đặc biệt là những lĩnh vực cần nhiều lao động như: may mặc, rau quả đông lạnh, chế biến nông thủy sản… DN cần có chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lao động An Giang đang làm việc ở các tỉnh, thành phố lớn trở về địa phương. Trong đó, quan trọng là chính sách tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ, chăm lo bữa ăn, đời sống vật chất và tinh thần, lâu dài hơn là nhu cầu về chỗ ở ổn định, nơi học tập cho con, cháu của người lao động.
 
 
Thực tế cho thấy, chỉ với vấn đề hỗ trợ suất ăn, đảm bảo chất lượng bữa ăn đã là câu chuyện “nóng” ở KCN Bình Hòa - nơi tập trung nhiều lao động nhất tỉnh hiện nay. Tại đây, từng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể mà nguyên nhân là do bếp ăn tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu, phải liên kết với các đơn vị cung cấp suất ăn bên ngoài nên công tác kiểm tra an toàn thực phẩm chưa đảm bảo.
 
Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là định mức hỗ trợ suất ăn của người lao động ở một số DN hiện nay còn thấp (từ 10.000-15.000 đồng/phần), chưa đảm bảo phục hồi, tái tạo sức khỏe cho công nhân để tăng năng suất lao động. Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Minh Phong cho rằng, các DN cần nghiên cứu tăng suất ăn của người lao động lên mức 18.000 - 20.000 đồng/suất để đảm bảo sức khỏe, đồng thời cần có quy định chặt chẽ trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà máy. “Thời gian tới, số lượng công nhân làm việc tại các KCN sẽ tăng do nhu cầu sử dụng lao động tại các DN ngày càng lớn. Bên cạnh hỗ trợ của tỉnh trong phối hợp đào tạo, tuyển dụng lao động, các DN cần quan tâm xây dựng chế độ tiền lương, tiền thưởng phù hợp, tạo môi trường làm việc thông thoáng để giữ chân người lao động cũ và thu hút lao động mới” - ông Phong đề xuất.
 
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế