Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, tạo sức bật mới

Thứ bảy, 04 Tháng 1 2020 20:16 (GMT+7)
Năm 2019 dù đối mặt nhiều khó khăn, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục tăng. Môi trường đầu tư được cải thiện, toàn ngành đã tạo được sức bật mới về đầu tư vào nông nghiệp, tiền đề thuận lợi cho ngành phát triển trong thời gian tới.
 
Hiện nay, các doanh nghiệp đã liên kết với nông dân hình thành được nhiều chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm an toàn. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm rau quả an toàn tại cửa hàng tiện ích Co.opFood ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cần Thơ.
 
Nhiều kết quả tích cực
 
Nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và thiên tai, nhất là dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu nhiều loại nông sản cũng đối mặt nhiều rủi ro do tác động từ chiến tranh thương mại của các nền kinh tế lớn và các rào cản về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu theo kế hoạch và tạo ra nhiều tiền đề thuận lợi cho tăng tốc phát triển trong năm 2020.
 
Các chỉ tiêu lớn ngành đạt được năm 2019 là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỉ USD, tăng 3,2% so với năm 2018; thặng dư thương mại toàn ngành đạt mức cao kỷ lục 10,4 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm trước. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%,  tăng thấp chủ yếu do bệnh dịch tả heo châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành.
 
Bộ NN&PTNT đã chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đối với sản xuất lúa, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi khoảng 100.000ha lúa có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới sang cây trồng khác, cùng với chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng, vật nuôi có thu nhập cao hơn. Tập trung kiểm soát, nâng tỷ lệ các giống lúa chất lượng, giá trị cao: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 4900, RVT, Nàng Hoa… chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu… Đối với các đối tượng cây trồng khác, mở rộng thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường: VietGAP, Global GAP…Năm  2019 đã có 39.300ha cây trồng đạt được chứng nhận VietGAP.
 
Song song đó, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp được chú trọng và kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng quan tâm phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX.
 
Năm 2019 cả nước thành lập mới được 6 liên hiệp HTX  nông nghiệp và 1.800 HTX, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX và 15.300 HTX nông nghiệp. Xây dựng và vận hành ổn định gần 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng 399 chuỗi so với năm 2018. Với việc môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, toàn ngành cũng tạo được sức bật mới về đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2019, có 17 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỉ đồng. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng trưởng mạnh, với 2.756 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp.
 
Hướng đến nền nông nghiệp hàng đầu
 
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020. Theo đó, toàn ngành xác định tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Mục tiêu tăng GDP toàn ngành trong năm 2020 từ 2,8-3%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỉ USD. Tỷ lệ che phủ rừng 42%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp…
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Đó là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chú ý khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Kết nối nông nghiệp với công nghệ chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam.
 
Từng bước khống chế được dịch tả heo châu Phi, giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt thủy sản. Phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý tài nguyên, chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao hiệu lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn...
 
 
Ngành nông nghiệp nước ta đóng góp ngân sách chưa thật sự lớn, nhưng tác động rất lớn vào đời sống người nông dân Việt Nam vì còn hơn 60% dân số là nông dân sống ở nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành NN&PTNT phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới. Cần tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành, coi phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu thị trường, mở rộng và phát triển thị trường là những khâu đột phá của ngành trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Quan tâm giữ chất lượng và “chữ tín” trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp…
 
Năm 2020 sẽ có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn để giải quyết vấn đề khó khăn cho đời sống, cho sản xuất, xuất nhập khẩu. Phải nắm được dự báo tình hình thời tiết, cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh, xu hướng bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… đang gia tăng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số tồn tại, yếu kém cần khắc phục kịp thời: cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong đó lao động thời vụ, nhàn rỗi là nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp...
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Kinh tế