Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao rất cần tiếp cận vốn tín dụng. Trong ảnh: Sản xuất rau an toàn bằng công nghệ thủy canh hồi lưu của Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, TP Cần Thơ.
►Rót vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31-12-2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,98 triệu tỉ đồng, chiếm 24,6% trên tổng dư nợ nền kinh tế. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, cho biết: Năm qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các TCTD tập trung vào các chương trình tín dụng đặc thù trong nông nghiệp: cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các chương trình tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội…
Xác định lĩnh vực nông nghiệp rất cần vốn và luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, các TCTD đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình ưu đãi dành hỗ trợ người dân; doanh nghiệp khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh; khôi phục sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2019, các TCTD đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi heo bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi tại 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, tổng dư nợ người chăn nuôi heo bị thiệt hại tại các tỉnh, thành phố đang có dịch đã được các TCTD hỗ trợ là 921 tỉ đồng thông qua các biện pháp: cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ 479 tỉ đồng; miễn, giảm lãi vay 146 tỉ đồng; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh 273 tỉ đồng; hỗ trợ thông qua biện pháp khác (ưu tiên thu gốc trước, lãi sau…) với 23 tỉ đồng. Về cho vay thu mua lúa gạo nhằm hạn chế đà giảm giá, các TCTD đã giải ngân cho vay đạt 17,5 ngàn tỉ đồng để thu mua 3 triệu tấn lúa gạo nhằm hạn chế đà giảm giá lúa gạo vụ đông xuân 2019.
Ghi nhận sự quan tâm, đồng hành của ngành ngân hàng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tại Hội nghị Trực tuyến Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Năm 2019, xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp là 71 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 41,3 tỉ USD, nhập khẩu xấp xỉ 30 tỉ USD. Nguồn vốn của các TCTD không chỉ tập trung cho nhu cầu lớn của 13.000 doanh nghiệp trực tiếp, 49.000 doanh nghiệp gián tiếp trong khu vực nông nghiệp mà còn tập trung cho khối hợp tác xã với 15.800 hợp tác xã, 39.000 trang trại và đặc biệt là 8,6 triệu hộ nông dân trên khắp cả nước. Các ngân hàng thương mại đã đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, không để ai bị bỏ lại phía sau.
►Đầu tư theo chuỗi giá trị
Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 1-1-2020) của Chính phủ "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020" có nội dung yêu cầu phải đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa trên lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Trong đó, đối với ngành nông nghiệp, yêu cầu là thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Và để ngành nông nghiệp đạt được những yêu cầu đề ra đòi hỏi phải tiếp tục có sự đầu tư tương xứng hơn bởi không phải ngẫu nhiên mà tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm đến gần 25% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2019, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 41,3 tỉ USD. Nếu làm tốt công tác chế biến, làm tốt công tác thị trường, giá trị xuất khẩu sẽ lớn hơn nhiều lần hiện nay. Ngành nông nghiệp đang có sự chuyển dịch rất tích cực và 3 năm vừa qua số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tăng gấp 3 lần. Nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Massan, Vinamilk, TH… tập trung đầu tư vào nông nghiệp, tìm dư địa lợi nhuận ở chính khu vực này. Thời gian qua, NHNN thực hiện các giải pháp ổn định tỷ giá đã hỗ trợ tốt cho xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, nông sản chế biến. Nhiều ý kiến cho rằng, dù nhận được nhiều sự quan tâm từ phía ngân hàng song trên thực tế vốn đầu tư cho nông nghiệp hiện nay vẫn còn dưới tiềm năng phát triển của ngành. Do đó, ngành ngân hàng cần có cách nhìn nhận mới, cách tiếp cận mới để xem xét cho vay đối với những ý tưởng tốt, dự án tốt thay vì chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhận định: Cần có sự thay đổi về mặt thể chế, kết hợp với tháo gỡ khó khăn đến vấn đề đất đai, tài sản thế chấp trên đất, nghiên cứu những thể thức mới phù hợp nhằm khai thác được tiềm năng của ngành nông nghiệp. Bộ cũng đề xuất NHNN, các TCTD tập trung cung ứng vốn cho chuỗi sản xuất bằng cách chọn ra hạt nhân liên kết theo từng ngành hàng của các đơn vị, tập trung vốn tín dụng vào đây để các tác nhân trong chuỗi cùng được hưởng lợi. Tất cả đầu vào thông qua một đầu mối mới giúp tạo được niềm tin, đảm bảo chất lượng, đảm bảo đầu ra. Đặc biệt là tập trung vào hoạt động sản xuất để đầu tư tín dụng đúng chỗ, đúng địa chỉ; người sử dụng nguồn tiền vay trong chuỗi phải có trình độ quản lý tốt. Ngành ngân hàng cần phối hợp với ngành nông nghiệp, cùng doanh nghiệp, chính quyền địa phương xây dựng mô hình cho từng chuỗi, tiến tới nhân rộng cho từng ngành hàng về lâu dài. Cuối cùng là phải tập trung xử lý, ứng phó với các rủi ro, bởi lẽ ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)