Lãnh đạo Công ty Cổ phần May Meko cho biết một số đối tác hủy đơn hàng, nên xuất khẩu có thể khó khăn.
►Khó khăn bủa vây
Trong quý I năm nay, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 2% với cùng kỳ năm 2019; trong số này có 18.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, nhiều nhất là: kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ việc làm; du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi… Theo Bộ KH&ĐT, DN đang nghe ngóng, chờ đợi, hoặc đưa DN vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh rồi mới quyết định kinh doanh. Số lượng DN thành lập mới trong quý I cũng chững lại, với 29.700 DN, vốn đăng ký 351.400 tỉ đồng, giảm 6,4% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn tăng thêm của các DN đang hoạt động 552.419 tỉ đồng, giảm 23,5%. Số DN quay trở lại hoạt động chỉ 14.800 DN, giảm 1,6%; trong khi tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2019 tăng đến 78,1%...
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, quý II-2020 tác động của dịch COVID-19, DN tiếp tục đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu sẽ khó khăn nhất. Điều này tạo áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II so với quý I của Tổng cục Thống kê có 38,8% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% DN dự báo khó khăn hơn và 35,3% DN cho biết sẽ ổn định.
Trên thực tế, DN đang gặp khó khăn “kép”, vừa khó về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vừa khó về thị trường xuất khẩu, do các nước hạn chế giao thương để phòng, chống dịch COVID-19. Thống kê sơ bộ hiện có khoảng 15% DN phải thu hẹp quy mô sản xuất nhưng trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều. Mặt khác, DN khó khăn, cắt giảm quy mô, giảm bớt lao động nên cầu tín dụng đang ở mức thấp. Trong quý I, tăng trưởng tín dụng cả nền kinh tế chỉ đạt 0,68%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Tất cả những khó khăn này kéo theo kinh tế quý I năm nay chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua. Mặc dù các khu vực công nghiệp, nông-lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức tăng trưởng dương, xuất siêu 2,8 tỉ USD nhưng hàng ngàn DN vẫn đang ở bờ vực phá sản.
►Doanh nghiệp mong chờ chính sách
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia, trong đó có nước ta đã phải thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh: hạn chế giao thương, du lịch, tụ tập đông người; nhiều DN đang phải giảm công suất, giới hạn hoạt động kinh doanh, giảm lao động thậm chí là ngưng hoạt động. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ: giảm, giãn thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ người lao động mất việc; khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ và giảm sâu lãi suất cho vay… để giúp DN vượt qua đại dịch. Song, nhiều DN cho rằng việc triển khai và thực thi chính sách hỗ trợ cần nhanh hơn, bởi “sức khỏe” của DN đang yếu đi từng ngày.
Khó khăn đang trải đều cả nước. Tại TP Cần Thơ, theo Sở KH&ĐT, quý I năm nay, thành phố chỉ cấp mới đăng ký kinh doanh cho 280 DN, vốn đăng ký 1.188 tỉ đồng; giảm 28,93% về số DN và giảm 67,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Về dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành phố không có dự án mới nhưng chấm dứt 7 dự án (5 dự án thu hồi do không liên lạc được với nhà đầu tư và 2 dự án do nhà đầu tư chấm dứt), vốn đăng ký 1,42 triệu USD. Theo ông Lư Thành Đồng, Trưởng Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, các khu công nghiệp 3 tháng đầu năm nay cũng không có dự án mới, nhưng có 4 dự án xin giảm vốn 4,77 triệu USD. “Nhiều DN đang gặp khó khăn về nguyên phụ liệu sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và đơn hàng, thời gian giao hàng của DN. DN phải cắt giảm lao động, xuất khẩu gặp khó nên phải tốn thêm chi phí lưu kho. DN kiến nghị được xem xét giảm thuế, giãn thuế, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại doanh nghiệp tự lo… Vấn đề này, Ban đã có kiến nghị về thành phố”- ông Đồng cho hay.
Khó khăn nữa hiện nay là một số đối tác EU, Mỹ đơn phương hủy đơn hàng do tác động phòng, chống dịch COVID-19 ở nước sở tại tiếp tục đưa DN vào tình cảnh khốn đốn, nhất là may mặc. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cho biết: “Công ty xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Nhật Bản 70%, EU 25%, Mỹ 5%. Vừa qua, công ty khó khăn về nguyên phụ liệu nhập khẩu do phía Trung Quốc chậm giao hàng vì dịch COVID-19. Nhưng hiện tại nguyên phụ liệu đã giải quyết thì một số đối tác hủy đơn hàng nên sẽ khó trong những ngày sắp tới. Sản xuất không biết có xuất khẩu được không. Hiện nay hơn 1.300 công nhân làm việc 5 ngày/tuần”. Theo ông Trần Chí Gia, hiện vấn đề lãi suất cho vay, công ty được ngân hàng giảm 0,5%/năm (vay USD) cũng phần nào gỡ khó cho DN thời điểm này. Song DN mong các chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… triển khai nhanh hơn để DN có thể “chạm” tới chính sách, vượt qua giai đoạn khủng hoảng, tận dụng thời cơ thị trường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thời gian gia hạn là 5 tháng. Nghị định có hiệu lực từ 8-4-2020. Người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 sẽ được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Gói hỗ trợ lên đến 180.000 tỉ đồng. Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, với gói tín dụng mà các ngân hàng thương mại cam kết khoảng 285.000 tỉ đồng cũng đang được triển khai quyết liệt để hỗ trợ DN, người dân. Các ngân hàng còn tung hàng loạt gói tín dụng lãi suất giảm sâu, giảm 2%/năm so với trước… Đây là liều thuốc cho DN chống chọi vượt qua bão COVID-19.
Bài, ảnh: Gia Bảo - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)