Sản phẩm TCMN chưa được nhiều khách hàng biết đến
Đây chính là điều kiện quan trọng để xây dựng, phát triển các mặt hàng TCMN nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.
Tuy nhiên,tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, ít mẫu mã sáng tạo, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư công nghệ… là nguyên nhân khiến hoạt động marketing "đuối sức" trên chặng đường cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Hiện nay, để tìm kiếm được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng là rất khó khăn. Ví dụ như việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho ngành gốm sứ. Các loại gốm sứ có nguyên liệu chính là cao lanh khai thác ở các vỉa khoáng sản, ở các tầng địa chất khác nhau thì chất lượng nguyên liệu sẽ khác nhau, ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tự đầu tư một nhà máy chế biến nguyên liệu chỉ phục vụ cho sản xuất bởi chi phí quá lớn và khấu hao chậm.
Một trong những hạn chế lớn nhất của hàng TCMN, làng nghề Việt Nam khi tham gia thị trường toàn cầu là chất lượng sản phẩm thiếu ổn định. Với những đơn hàng vừa và lớn, thường các sản phẩm sẽ không đồng đều, không đạt yêu cầu như mẫu chào hàng. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp sản xuất còn nặng về thủ công thuần túy, chưa có sự chuyên môn hóa cao, việc đầu tư máy móc, công nghệ đổi mới quá trình sản xuất còn chậm, chưa theo kịp xu hướng phát triển chung.
Mặt khác, một vấn đề chung mà hầu hết các doanh nghiệp làng nghề gặp phải là phần lớn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu đều thông qua các doanh nghiệp trung gian dưới dạng sản phẩm thô hoặc gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Việc xuất khẩu theo cách này khiến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề chịu không ít thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, thương hiệu đã trở thành một tài sản của cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí là của một quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhưng vì xuất khẩu dưới "bóng" của một doanh nghiệp khác mà các doanh nghiệp làng nghề cũng khó có một thương hiệu riêng để xây dựng chiến lược marketing xuất khẩu đúng đắn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng TCMN làng nghề chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa hiểu rõ tầm quan trọng của khâu marketing, quảng bá xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, bản chất của hoạt động marketing xuất khẩu là thích ứng với những thay đổi của các yếu tố môi trường bên ngoài.
Vì vậy, marketing xuất khẩu đòi hỏi phải có các chiến lược và kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt theo sự thay đổi của thị trường. Doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN làng nghề của các tỉnh, thành phố cần có kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động marketing xuất khẩu; xây dựng, phát triển sản phẩm TCMN làng nghề để có giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Hoàng Chính Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương:
Hoạt động marketing xuất khẩu là yếu tố then chốt giúp các sản phẩm TCMN của Việt Nam đến với thị trường nước ngoài. Hoạt động này đòi hỏi phải có chiến lược và kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt theo sự thay đổi của thị trường. |
Thu Trang - (congthuong.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)