Ông Nam nhẩm tính: “Cuối năm 2019, mặn từ các cửa sông chính bắt đầu xâm nhập vào đất liền. Tính đến thời điểm này thì mặn đã diễn ra hơn 5 tháng. Trong khi nước trữ trong mương vườn lấy lên tưới cho cây trồng chỉ cầm cự khoảng 3 tháng. Cho nên, việc nhà vườn “thất thủ” với hạn mặn là chuyện khó tránh khỏi”.
Tính chuyện lâu dài
Ông Nam tập trung vào việc bảo vệ 3ha đất trồng bưởi xen sầu riêng. Các cống nằm trong đê bao đều được đóng kín. Khu vườn không nằm gần sông lớn, ông phải thuê ghe chở 14 - 15m3 nước ngọt, với giá 1,3 triệu đồng/ghe.
Tại vườn, ông thuê khoan 1 cây giếng, độ sâu 400m, giá 125 triệu đồng, mỗi giờ cung cấp 10m3 nước. Nước từ giếng khoan bơm lên mương vườn đã phủ bạt. Sau đó, ông sử dụng mô-tơ bơm nước tưới xuyên suốt cho cây trồng. Hóa đơn tiền điện tháng gần nhất ông phải trả đã vượt qua con số 7 triệu đồng.
Mới đây, một cơn mưa khá nặng hạt, người dân nơi đây gọi là trận mưa vàng. Ông Nam nói: “Mưa xuống, mình cũng mát theo cây trồng. Coi như, cây trồng trong vườn của tôi đã vượt qua được mùa hạn mặn năm nay. Hiện, tôi đã thu hoạch được 1,5 tấn sầu riêng, thương lái vào vườn hái, với giá 50 ngàn đồng/kg. Số trái còn trên cây cũng ngoài 2 tấn”.
Theo ông Nam, tình trạng mặn từ cửa sông chính xâm nhập sâu và diễn biến gay gắt, chắc chắn sẽ còn tiếp diễn ở những năm tiếp theo. Vì thế, nhà vườn cần nghĩ đến việc trữ một lượng lớn nước ngọt trong vườn để tưới cho cây trong thời gian diễn ra hạn mặn. Mặc khác, cũng cần nghĩ đến việc đầu tư phương tiện để đến nơi mặn chưa xâm nhập đến, lấy nước ngọt chở về bổ sung nước trong mương vườn..