Cây bưởi nhiều gốc của ông Huỳnh Thanh Tùng chống chịu rất tốt đối với bệnh vàng lá thối rễ. Ảnh: Minh Đảm.
Tình cờ ghép “chơi” cứu được cây bị vàng lá
Vào tham quan vườn bưởi của ông Tùng chúng tôi thật bất ngờ rồi thú vị trước những cây bưởi da xanh nhiều gốc. Thấy tôi thắc mắc ông Tùng giải thích là do ông đã ghép nhiều gốc bưởi long cổ cò xung quanh cây bưởi xanh để trợ lực. Thấy tôi còn bỡ ngỡ, anh Huỳnh Thanh Tâm, con ông Tùng cho biết:
- Cái này giống như là mình trợ lực cho nó. Thường thường, bưởi da xanh trồng từ nhánh chiết để mau có trái hơn so với trồng từ cây có gốc tháp. Nhưng tuổi thọ của cây trồng từ nhánh chiết không bằng cây trồng từ gốc tháp. Bởi khi chiết cành rễ không mạnh như rễ nguyên thủy của cây. Bộ rễ tự nhiên có đuôi chuột (rễ cọc) lấy dinh dưỡng rất mạnh và cây vững chắc.
Khi mình ghép thêm một số cây con vô cây mẹ như thế này nó sẽ tăng cường hút dinh dưỡng nuôi cây. Mình so sánh như ba bốn người đi làm mà nuôi có một người thì người đó đương nhiên béo tốt rồi.
Anh Tâm chia sẻ tiếp: Ban đầu trong vườn nhà có một cây bị vàng lá, cha tôi trồng cây bưởi long kế bên rồi sử dụng gốc của nó trợ lực cho cây bưởi da xanh. Cây này cũng không tốt lắm nhưng vẫn cứu được cây bưởi da xanh không chết. Thấy hiệu quả, gia đình áp dụng qua các cây khác.
Cách làm, ông Tùng lấy hột bưởi long rải xung quanh gốc bưởi da xanh. Khi cây chuẩn bị ra đọt, lá già thì kéo những cây con này vô gốc. Cạo đi lớp da của nó rồi tháp vô cây mẹ. Sau đó ông cắt bỏ phần đọt của cây bưởi long. Lúc này, cây bưởi mẹ vừa được tăng cường thêm một bộ rễ có rễ cọc nên hút dinh dưỡng rất mạnh.
Ông Tùng kiểm tra gốc ghép. Ảnh: Minh Đảm.
Vườn nhà ông Huỳnh Thanh Tùng có 1,1 ha đất. Ông dành 4 công để trồng bưởi da xanh, số còn lại trồng dừa. Khoảng cuối năm 2015, ông Tùng bắt đầu trồng bưởi da xanh. Vừa đặt bưởi nhánh xuống là ông cũng chuẩn bị luôn cây bưởi long để đặt kế bên. Khi nó lớn thì kéo sát tháp vào cây bưởi da xanh.
Ông Tùng cho biết, ý tưởng trồng nhiều cây bưởi long để làm gốc ghép tự bản thân suy nghĩ ra.
Những cây bưởi đầu tiên, ông Tùng chỉ ghép thêm một gốc bưởi long cổ cò cho một cây bưởi da xanh. Ảnh: Minh Đảm.
Ban đầu, ông Tùng chỉ ghép tăng cường một cây bưởi long cho một cây bưởi da xanh. Tuy thấy cây cũng phát triển tốt, đạt yêu cầu nhưng ông cảm thấy vẫn còn thiếu gì đó. Sau đó ông ghép thêm ba, rồi bốn cây bưởi long chỉ để nuôi một cây bưởi da xanh. Cây phát triển mạnh mẽ hơn, ra đọt nhanh hơn.
Về sau ông Tùng ghép 3 đến 4 gốc bưởi long vào một cây bưởi mẹ. Gốc bưởi long sau khi ghép thành công phát triển mạnh hơn gốc cây mẹ (giữa). Ảnh: Minh Đảm.
“Mấy cây sau này mình ghép nhiều gốc hơn, ba cây, rồi bốn cây, rất cứng cáp, giông bão cũng không sợ. Gốc cây bưởi long phát triển rất mạnh còn gốc bưởi da xanh thì nhỏ lại”, ông Tùng nói.
Về kỹ thuật, ông Tùng cho biết rất dễ làm và tỷ lệ thành công đạt 100%.
Bưởi ít bị vàng lá thối rễ hơn
Từ khi áp dụng kỹ thuật ghép như thế, ông Tùng thấy vườn bưởi hầu như không xuất hiện vàng lá thối rễ.
“Cây bưởi da xanh phát triển rất nhanh, bung cơi đọt hoài à. Mấy cây bị bệnh khi mình cập cây bưởi long này qua thấy nó cũng vượt qua, tốt trở lại.
Khi đó mình chỉ cần cắt đọt vàng bỏ đi. Số cây bị vàng lá không đáng kể, có lẽ do chúng có nhiều bộ rễ con hỗ trợ”, ông Tùng nói về khả năng chống chịu bệnh vàng lá thối rễ khi áp dụng kỹ thuật ghép gốc trợ lực này.
Nhờ có nhiều gốc ghép phụ trợ nên cây bưởi da xanh lớn lên từ nhánh chiết đã phát triển mạnh và đề kháng tốt với bệnh vàng lá thối rễ. Ảnh: Minh Đảm.
Thông thường, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi rất khó điều trị. Đặc điểm của bệnh rất dễ nhận biết. Khi cây mắc bệnh thì thấy trên đọt có xuất hiện lá vàng, đào gốc cây lên thấy rễ thối. Nghiên cứu năm 1997, tác giả Phạm Văn Kim đã thực hiện thành công việc chứng minh tác nhân gây bệnh vàng lá thối rễ của cam mật (Citrus cinensis) và quýt tiều (C. reculata) qua các bước thực hiện qui trình Kock và đã công bố tác nhân gây bệnh này là nấm Fusarium solani.
Năm 2002, tác giả Lê Thị Thu Hồng và cộng sự đã nghiên cứu bệnh vàng lá chết nhanh trên cây quít tiều tại Lai Vung, Đồng Tháp và cũng kết luận là bệnh này do nhiều tác nhân gồm Fusarium, Pythium, Phytophthora và tuyến trùng gây ra. Trong đó sự tương tác giữa nấm Fusarium và tuyến trùng là quan trọng nhất.
Ghép thêm gốc bưởi long cổ cò vào thân cây bưởi da xanh. Ảnh: Minh Đảm.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, bệnh vàng lá thối rễ do nấm Fusarium solani rất khó trị. Cách tốt nhất nhà nông nên dùng giống kháng bệnh. Bưởi long là loại cây có múi có sức đề kháng rất tốt với nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh vàng lá thối rễ.
Mô hình ghép gốc bưởi long vào cây bưởi da xanh đã giúp cây tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, tăng sức chống chịu đối với bệnh vàng lá thối rễ.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu khẳng định: “Cây bưởi long chống chịu được nhiều loại bệnh trên cây bưởi nói chung. Điều này được phát hiện từ lâu. Chính bản thân tôi cũng áp dụng khi có nhu cầu dùng làm gốc ghép.
Tuy nhiên, hầu hết bưởi được trồng ở huyện Chợ Lách là bằng giống chiết cành, bộ rễ rất yếu. Gần đây, tôi trực tiếp xem mô hình ghép bưởi long vào bưởi da xanh của ông Tùng ở Châu Thành - Bến Tre, là cách làm thành công, không những chống chịu bệnh mà chịu hạn cũng rất tốt".
PGS.TS Nguyễn Minh Châu chia sẻ thêm, hiện nay nhiều nhà vườn làm cây giống không đạt tiêu chuẩn. Tập quán nhân giống của bà con là ít dùng gốc ghép vì tốn nhiều thời gian, chi phí. Thường người ta chỉ chiết để bán cho nhanh. Cách làm giống này cần phải thay đổi.
Nhà vườn Huỳnh Thanh Tùng khuyến cáo bà con bạn bè gần xa sử dụng phương pháp ghép để giúp vườn bưởi tăng cường sức chống chịu đối với bệnh vàng lá thối rễ. Ảnh: Minh Đảm.
Hiện vườn bưởi của nhà vườn Huỳnh Thanh Tùng đã bước sang tuổi thứ 5. Cây đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết ông không xử lý cây ra trái nghịch vụ vì làm như vậy sẽ giảm tuổi thọ.
Ông chỉ để bưởi ra trái tự nhiên, gọi là bưởi cho trái chuyền. Chăm sóc cây mùa nắng hạn, xâm nhập mặn này ông Tùng cho biết khá cực.
Ông nói, cây bưởi tuy chịu được mặn cao hơn các cây khác (khoảng 2‰) nhưng cây cần phải có nước đầy đủ. Ngoài việc dự trữ nước trong mương, lấy lá dừa tủ gốc, trồng cây họ đậu trong vườn, ông còn khoan 2 giếng tầng nông lấy nước cứu cây khi khô hạn kéo dài trong thời gian qua.
Với 4 công bưởi, bước đầu mỗi tháng ông thu được khoảng 500 kg. Gần đây, ông mới thu hoạch bán được giá 35.000 đồng/kg. Năm qua, ông cũng thu trên 100 triệu đồng từ tiền bán bưởi.
Với kỹ thuật này, ông Tùng mách nước với nhiều người quen xa gần, nhất là bà con bạn bè ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, để xử lý khi cây bị bệnh vàng lá thối rễ.
MINH ĐẢM - (nongnghiep.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)