Xã Tân Phú có 625 ha diện tích trồng sầu riêng, là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất huyện Châu Thành. Thời điểm này đang vào mùa sầu riêng nhưng ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài khiến cho các vườn sầu riêng trơ trụi lá, cây khô, trái cháy.
Dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng, ông Nguyễn Văn Tuân, ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú chỉ hàng chục trái sầu riêng xanh to bằng cái bát vẫn còn trên cành mà chua chát: "Chỉ vài hôm nữa là nó rụng thôi. Mấy bữa trước tôi còn trèo lên cây để hái trái bỏ đi dưỡng cây. Nhưng nay không hái trái cũng tự rụng vì cây nào cũng sắp chết rồi".
Ông Tuân chỉ từng cây sầu riêng mà kể tường tận "tiểu sử": Cây này sát mé kênh, mỗi năm cho trên 100 trái, còn cây kia cao nhất vườn cũng 100 trái... Tính sơ sơ, bình quân giá mỗi trái 3 kg và giá 50.000 đồng/kg, mỗi cây sầu riêng cũng cho "ra tiền" trên 15 triệu đồng. Đó là chưa kể những năm giá cao, trên 80.000 đồng/kg.
Thế nhưng, mảnh vườn 3 công đất (3.000 m2) của ông đã hơn một nửa diện tích sầu riêng đang chết dần. Những thân cây sầu riêng 15 năm tuổi cao, to, đáng lẽ ra mùa này phải cành lá xum xuê, xanh mướt, trái treo từ ngọn tới gốc chứ không phải trơ khô không còn lá như thế này.
"Vườn này mới chết một nửa chứ vườn 4 công đất tôi thuê ở xã Tiên Long mất trắng 100%. Từ đầu đợt mặn tới nay đã tốn gần 50 triệu đồng tiền mua nước ngọt để tưới mà cũng không cứu được cây. Năm nay, lỗ cũng trên 100 triệu đồng tiền mua phân, mua thuốc, mua nước, thuê nhân công", ông Tuân thở dài cho biết.
Nhìn kĩ các nhánh dưới thấp thấy có những mầm lá, chồi non và nụ hoa sầu riêng. Cứ ngỡ đây sẽ là mầm sống, đem lại hy vọng sống cho cây khi mà mùa mưa đã bắt đầu. Nhưng với kinh nghiệm của mình, ông Tuân đưa tay lặt bỏ không chút đắn đo và chỉ cho chúng tôi xem dưới đất những lá non rụng quanh gốc. Ông bảo khi những lá non, nụ hoa này rụng xuống hết là lúc cây sầu riêng này sẽ chết. Bởi bộ rễ của cây đã suy kiệt.
Một mảnh vườn nhưng chỉ có một nửa của sự sống, 22 gốc sầu riêng sát hiên nhà ông Tuân vẫn còn cầm cự được. Để cứu cây, mỗi sáng sớm, ông Tuân kéo vòi xịt hết từ trên ngọn lá thay vì chỉ tưới nhỏ giọt dưới gốc. "Tôi phát hiện ra, nước bốc hơi mặn bám trên lá sẽ khiến lá bị úa. Vì vậy, sáng nào tôi cũng tưới phun trên lá để rửa mặn. Mong là cứu được cây nào hay cây đó nhưng khả năng không được".
Lão nông xấp xỉ 70 tuổi này cho biết, dự tính vài ngày nữa sẽ thuê người vào cưa gốc sầu riêng để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ông cho rằng cây bưởi da xanh có sức chống chịu với mặn được, không mẫn cảm với nước mặn như sầu riêng. Hy vọng sự thay đổi này sẽ bền vững.
Đi dọc các con đường ấp Tân Bắc, Tân Tây của xã Tân Phú, hai bên đường là những cây sầu riêng trụi lá, đứng chết khô, có cây vẫn còn trái bám trên thân.
Nhà anh Nguyễn Hữu Hội, ấp Tân Bắc có 200 gốc sầu riêng trên 20 năm tuổi đang chết. Anh Hội đã gọi người đến bán cây với giá 300.000/gốc nhưng chưa có người đến cắt vì thời điểm này nhiều nhà vườn cũng có nhu cầu cắt bỏ cây sầu riêng, chôm chôm để cải tạo vườn, chuyển sang trồng loại cây khác.
Anh Hội cho biết, năm nay, tiền bán sầu riêng chỉ đủ để chi trả tiền phân và tiền nước. Các khoản chi phí còn lại mà anh đã vay ngân hàng giờ phải bán đất trả. Năm nay, người trồng sầu riêng ở Tân Phú lỗ nặng.
Trước đây, người dân xã Tân Phú tự hào có nguồn nước ngọt quanh năm. Mặc dù, năm 2016, mặn xuất hiện đột ngột nhưng cũng chỉ ảnh hưởng 1/2 địa bàn xã gần sông Hàm Luông, còn phía sông Tiền không bị ảnh hưởng nên có thể "chi viện" nguồn nước cho địa bàn giáp sông Hàm Luông.
Nhưng đợt hạn, mặn 2019 - 2020 xâm nhập sâu, lâu và không theo quy luật khiến địa phương "trở tay" không kịp. Từ cuối tháng 9/2019, UBND xã đã vận động người dân trữ nước, chứa trong bồn, trong mương để sử dụng trong thời gian ba tháng. Tuy nhiên đến nay, mặn đã kéo dài 6 tháng, nguồn nước cạn kiệt.
Ông Phạm Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, ngay từ đầu mùa hạn, địa phương đã khuyến cáo nhà vườn không nên để hoa, trái sầu riêng. Nhưng có nhiều hộ dân tiếc, vẫn giữ lại trái khiến cây bị ảnh hưởng.
Trong tháng 4, theo khảo sát trên địa bàn xã Tân Phú đã có khoảng 30 ha diện tích sầu riêng bị chết hoàn toàn, số còn lại bị ảnh hưởng từ 50 - 70%. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, sầu riêng rụng lá, rụng cành chết có dấu hiệu tăng thêm.
Theo ông Phạm Hoàng Khôi, không riêng gì cây sầu riêng bị thiệt hại do hạn, mặn mà diện tích chôm chôm trên địa bàn xã cũng bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Người dân cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư, xử lý, chăm sóc vườn cây khi mưa xuống.
Ngoài ra, hiện nay, người dân đang phân vân không biết nên tiếp tục trồng lại sầu riêng, chôm chôm hay chuyển cây trồng khác vì theo dự báo những năm tiếp hạn, mặn sẽ còn tái diễn, nguồn nước ngọt có nguy cơ khan hiếm gay gắt.
Từ đầu tháng 5 đến nay, địa bàn xã Tân Phú mới có 2 đợt mưa. Thời điểm này đang bước vào mùa mưa, nhưng chính quyền và người dân xã Tân Phú lại tiếp tục lo nỗi lo mới vì mùa mưa chỉ kéo dài vài tháng rồi đến mùa khô, không biết mặn sẽ xuất hiện vào lúc nào.
Huyện Châu Thành có trên 1.100 ha diện tích trồng sầu riêng, là địa bàn có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, đợt hạn, mặn năm nay, Châu Thành cũng là huyện có diện tích sầu riêng đang cho trái bị thiệt hại nặng nề nhất, tập trung ở các xã Tân Phú, Phú Túc, Quới Thành,...
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện chưa có thống kê cụ thể, chính xác diện tích sầu riêng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo khảo sát, các huyện Châu Thành, Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc là những địa phương có diện tích sầu riêng bị chết do ảnh hưởng hạn, mặn.
Huyện Châu Thành bị ảnh hưởng nước mặn nặng nề do địa phương không có khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt như ở huyện Chợ Lách. Vì vậy, việc giữ vững vườn cây sầu riêng gặp khó. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố chủ quan, vì giá sầu riêng cao nên người dân không tuân thủ khuyến cáo vẫn giữ lại trái trên cây. Khi giữ trái trên cây, đòi hỏi phải sử dụng nước nhiều nên có thể người dân mua nước ở những nguồn không đảm bảo tưới cây, khiến cho cây bị ảnh hưởng nặng, có nhiều vườn bị chết cây.
Ông Huỳnh Quang Đức cũng cho biết, qua khảo sát của ngành nông nghiệp vào giữa tháng 5/2020, những vườn sầu riêng mà người dân không tuân thủ khuyến cáo bỏ trái, bỏ hoa thì cây bị ảnh hưởng nặng. Đối với vườn sầu riêng không bị tác động của nước mặn, người dân thực hiện các giải pháp như đậy gốc, trồng cỏ, bón phân hữu cơ... mặc dù cây cũng bị ảnh hưởng như rụng lá, khô lá nhưng thiệt hại ít hơn.
"Những vườn sầu riêng không bị nước mặn xâm nhập vào kênh, mương, hoặc không bị tưới nước mặn trực tiếp lên cây thì khả năng phục hồi tốt sau khi mùa mưa xuống", ông Đức cho biết.
Để giúp sầu riêng phục hồi sau đợt hạn, mặn ông Huỳnh Quang Đức khuyến cáo, người dân nên tranh thủ nguồn nước mưa tháo rửa nước mặn, đất nhiễm mặn trong vườn càng sớm càng tốt. Đồng thời, xới đất mặt, tăng cường rải vôi để giảm bớt tác hại của muối duy trì trong đất; tăng cường bón phân hữu cơ, phân lân giai đoạn đầu để giúp cho bộ rễ bình ổn và phát triển lại.
Huyện Châu Thành bị ảnh hưởng nước mặn nặng nề do địa phương không có khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt như ở huyện Chợ Lách. Vì vậy, việc giữ vững vườn cây sầu riêng gặp khó. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố chủ quan, vì giá sầu riêng cao nên người dân không tuân thủ khuyến cáo vẫn giữ lại trái trên cây. Khi giữ trái trên cây, đòi hỏi phải sử dụng nước nhiều nên có thể người dân mua nước ở những nguồn không đảm bảo tưới cây, khiến cho cây bị ảnh hưởng nặng, có nhiều vườn bị chết cây.
Ông Huỳnh Quang Đức cũng cho biết, qua khảo sát của ngành nông nghiệp vào giữa tháng 5/2020, những vườn sầu riêng mà người dân không tuân thủ khuyến cáo bỏ trái, bỏ hoa thì cây bị ảnh hưởng nặng. Đối với vườn sầu riêng không bị tác động của nước mặn, người dân thực hiện các giải pháp như đậy gốc, trồng cỏ, bón phân hữu cơ... mặc dù cây cũng bị ảnh hưởng như rụng lá, khô lá nhưng thiệt hại ít hơn.
"Những vườn sầu riêng không bị nước mặn xâm nhập vào kênh, mương, hoặc không bị tưới nước mặn trực tiếp lên cây thì khả năng phục hồi tốt sau khi mùa mưa xuống", ông Đức cho biết.
Để giúp sầu riêng phục hồi sau đợt hạn, mặn ông Huỳnh Quang Đức khuyến cáo, người dân nên tranh thủ nguồn nước mưa tháo rửa nước mặn, đất nhiễm mặn trong vườn càng sớm càng tốt. Đồng thời, xới đất mặt, tăng cường rải vôi để giảm bớt tác hại của muối duy trì trong đất; tăng cường bón phân hữu cơ, phân lân giai đoạn đầu để giúp cho bộ rễ bình ổn và phát triển lại.
Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)