Dự trữ và tiết kiệm nước tưới là một trong những giải pháp trước mắt để thích ứng với tình hình hạn, mặn. Ảnh: A. PHƯƠNG - M. THÀNH
Bài 1: Nỗ lực khôi phục vùng chuyên canh sầu riêng
Hạn, mặn năm 2019 - 2020 đến sớm, xâm nhập sâu và kéo dài hơn nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh, trong đó chủ yếu là cây sầu riêng. Do thiếu nước ngọt nên nhiều diện tích đã bị thiệt hại.
Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 13.500 ha trồng sầu riêng, chiếm hơn 14% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, với sản lượng hơn 277 ngàn tấn/năm.
NHIỀU DIỆN TÍCH THIỆT HẠI
Trước diễn biến khốc liệt của hạn, mặn mùa khô năm 2020, nhiều vườn sầu riêng tại các huyện Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy đã bị thiệt hại, một số vườn có dấu hiệu chết dần. Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ, các địa phương đã ghi nhận khoảng 4.799 ha sầu riêng bị ảnh hưởng và đang tiếp tục theo dõi hướng dẫn nhà vườn chăm sóc tích cực để cây sớm phục hồi.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng gần 5 công của gia đình, ông Nguyễn Hồng Tâm (ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) cho biết, vừa qua mặn xâm nhập vào các kinh, rạch dẫn đến vườn sầu riêng không có nước ngọt để tưới. Gia đình ông phải bỏ tiền mua khoảng 100 m3 nước ngọt với giá 55.000 đồng/m3, cộng thêm khoảng 30 m3 nước ngọt được Nhà nước hỗ trợ để tưới vườn sầu riêng nhằm cầm cự trong hơn 3 tháng.
Dù vậy, hiện có khoảng 50% cây trong vườn sầu riêng đã bị suy kiệt, rụng lá, có cây khó có khả năng phục hồi. Ông Tâm cho biết: “Năm nay, tôi không nghĩ là mặn lại kéo dài đến vậy, do đó có phần chủ quan nên không tích trữ nước ngọt. Suốt 3 tháng, vườn sầu riêng thiếu nước tưới nên cây bị suy kiệt, rụng lá. Do ảnh hưởng của mặn nên bộ rễ của cây sầu riêng bị tổn thương. Để giúp cây phục hồi, những ngày qua, tôi đã tập trung xử lý kích thích bộ rễ; đồng thời, phun xịt thuốc trên bộ lá”.
Theo lãnh đạo UBND xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), hạn, mặn năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến vườn sầu riêng trên địa bàn xã, nhiều vườn bị suy kiệt do không có nước tưới. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có hơn 150 ha sầu riêng bị thiệt hại do hạn, mặn. Tuy nhiên, những ngày gần đây, có một số diện tích sầu riêng tiếp tục chết rải rác. Xã đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, hạn, mặn đã và đang xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích hơn 300 ngàn ha, để lại tác hại nặng nề đối với đất đai và cây ăn trái, rất khó ứng phó và khắc phục trong một thời gian ngắn.
Về lâu dài, các nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới là tăng cường quản lý và sử dụng nước tưới, nên có hạn mức nước tưới trên một diện tích đất cần tưới cho từng loại cây, trên từng vùng đất. Mặt khác, cần tăng nguồn dự trữ nước mặt để cung cấp trong mùa khô ở quy mô và cấp độ khác nhau. Đồng thời, bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kinh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại cần lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới; tuyên truyền, vận động tiết kiệm nước, không lãng phí nước, sử dụng nước hiệu quả.
Bên cạnh đó, để thích ứng với tình hình xâm nhập mặn cần nghiên cứu ứng dụng các hệ thống tưới, thiết bị tưới, chế độ tưới đáp ứng cho từng vùng, từng giống cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng nước. Đồng thời, nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với điều kiện hạn, mặn, thích ứng biến đổi khí hậu…
|
Tương tự tại khu vực xã Phú Phong (huyện Châu Thành), hạn, mặn đã ảnh hưởng lớn đến các vườn sầu riêng nơi đây. Anh Nguyễn Văn Hiền (xã Phú Phong) cho biết, năm nay mặn lên đột ngột quá nên nhà vườn trở tay không kịp.
Ngay từ cuối tháng 2, nhận thấy mặn có thể kéo dài nên anh đã xây hệ thống chứa nước để mua nước ngọt về trữ tưới cho vườn sầu riêng. Dù vậy, do nguồn nước ngọt bị hạn chế nên nhiều cây sầu riêng trong vườn đã xuất hiện tình trạng rụng lá, suy kiệt.
KHẨN TRƯƠNG KHÔI PHỤC
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các nguyên nhân chính dẫn đến cây sầu riêng chết và rụng lá là do thiếu nước ngọt tưới cây, trong mương vườn không có nước ngọt dự trữ, làm cho cây không hút được nước và dinh dưỡng dẫn đến cây suy kiệt. Mặt khác, hiện tượng rò rỉ nước mặn thấm sâu trong các mương vườn sẽ tích tụ muối hòa tan trong đất.
Người dân xây dựng nơi chứa nước dự trữ trong vườn sầu riêng.
Quá trình tích tụ muối càng tăng ở những nơi khô hạn, làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được dẫn đến cây chết. Bên cạnh đó, một số diện tích để cây cho hoa, trái trong giai đoạn hạn, mặn làm tiêu hao nhiều năng lượng, dinh dưỡng cho quá trình nuôi trái làm cây suy kiệt và chết. Giai đoạn cây sau khi thu hoạch gặp điều kiện hạn, mặn không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng để phục hồi bộ rễ và lá trong thời gian dài dẫn đến cây ngày càng suy kiệt và chết.
Ngoài ra, cây sầu riêng đang trong giai đoạn hạn kéo dài gặp mưa lớn ra đọt non, nhưng sau đó nắng kéo dài làm cây bị sốc, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, hấp thu dinh dưỡng của cây, có thể dẫn đến cây bị chết thời gian sau đó.
Theo lãnh đạo UBND xã Ngũ Hiệp, để giúp người dân khôi phục vườn sầu riêng sau hạn, mặn, vừa qua xã đã mời giảng viên của Trường Đại học Tiền Giang và một số nông dân có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức hội thảo chia sẻ cách chăm sóc cây. Tới đây, Phòng NN-PTNT huyện sẽ hỗ trợ xã tổ chức 2 cuộc hội thảo tại mỗi ấp để hướng dẫn người dân cách khôi phục vườn sầu riêng. Hiện đối với những diện tích sầu riêng bị suy kiệt, sau khi mưa xuống, nước ngọt về, nhiều diện tích đã phục hồi tốt.
Còn theo lãnh đạo UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), những ngày qua, huyện, xã đã tổ chức các cuộc hội thảo để hướng dẫn người dân cách khôi phục vườn sầu riêng. Hiện một số diện tích sầu riêng đã dần phục hồi, song cũng có một số vườn cây bị suy kiệt nặng nên không thể phục hồi.
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đợt hạn, mặn 2019 - 2020 đã gây thiệt hại về năng suất và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Hiện nông dân trồng sầu riêng gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục vườn sầu riêng. Trên cơ sở kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016, Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu quy trình phục hồi vườn sầu riêng tùy theo tình hình thực tế và các điều kiện gồm các bước, bước thứ nhất là rửa mặn cho đất kết hợp với bón vôi để đẩy Natri ra ngoài.
Bước thứ hai là nông dân cần phục hồi bộ rễ và lá. Trong quá trình hạn, mặn kéo dài, bộ rễ bị hư hỏng, bộ lá bị cháy. Do đó, nhà vườn cần phục hồi bộ rễ và lá song song với nhau. “Bước thứ ba là phun dưỡng chất hỗ trợ bộ lá phát triển. Bước thứ tư là giúp cây hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá. Đến bước thứ năm, nhà vườn mới tiến hành bón phân hữu cơ, bước thứ sáu thì có thể sử dụng phân hóa học. Nếu áp dụng đúng các bước này thì cây sầu riêng có thể phục hồi” - Tiến sĩ Võ Hữu Thoại chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn, ngành Nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn, mặn để hỗ trợ người dân theo đúng quy định. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương khẩn trương hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả các kỹ thuật cải tạo đất phục hồi cây sầu riêng sau hạn, mặn bằng nhiều hình thức và nhiều nguồn kinh phí khác nhau; đồng thời, đề nghị UBND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khẩn trương tổ chức tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn các kỹ thuật cải tạo đất phục hồi cây sầu riêng sau hạn, mặn cho nông dân theo khuyến cáo của các nhà khoa học và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
A. PHƯƠNG - M. THÀNH - (baoapbac.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)