Sau thời gian nỗ lực giải độc mặn cho sầu riêng qua mùa hạn mặn, nhà vườn ở cù lao Dài ngán ngẩm khi sầu riêng lại héo lá khi có mưa.
Những cơn mưa đầu mùa như tắm mát vườn cây trái, giải cơn khát sau thời gian dài chống chọi với hạn, mặn ở dãi đất cù lao Dài. Trời hạn trông mưa là vậy, nhưng chỉ vài ngày sau trận mưa đầu mùa, vườn sầu riêng lại bắt đầu cháy lá, héo rụng cả bông, trái non, chết nhánh. Mưa xuống tưởng nhẹ lo nhưng rồi rầu lại thêm rầu!
Ông Huỳnh Văn Út- Trưởng ấp Rạch Vọp (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) cho biết, vườn sầu riêng của ông cùng nhiều nhà vườn nơi đây đang đối mặt với một mùa mưa đầy bất an. Bởi mưa đầu mùa đổ xuống vài ba ngày thì sầu riêng lại có dấu hiệu suy kiệt nghiêm trọng: cây bị rụng bông, rụng trái, héo lá, thậm chí chết cây không khác gì so với thời điểm vườn cây bị nhiễm mặn, thiếu nước.
Một số cây sầu riêng còn nhỏ cũng bị chết. Mưa cũng làm bưởi rụng bông, chôm chôm cũng bị héo lá. Theo kinh nghiệm của các nhà vườn nơi đây, những vườn sầu riêng cắt trái thu hoạch trước Tết Nguyên đán thì không bị ảnh hưởng mưa. Riêng những cây đang ra bông, làm trái thì bị suy kiệt nặng, cây chết nhiều hơn và rất khó để phục hồi.
Bổ sung dinh dưỡng cho sầu riêng
Phun phân bón lá nhóm kích kháng (không chứa đạm) theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Việc phun phân bón lá cần thực hiện theo chu kỳ 7- 10 ngày/lần cho đến khi cây hồi phục. Không được phun phân bón lá chứa đạm trong trường hợp này vì vô tình chất đạm sẽ trở thành thức ăn cho nấm bệnh phát triển và gây hại nặng hơn. Nhóm phân bón lá kích kháng ngoài việc cung cấp dinh dưỡng nhanh cho cây qua lá (vì bộ rễ đã bị hư hại nặng) còn nâng cao sức đề kháng của cây để chống lại nấm bệnh và cung cấp năng lượng cần thiết giúp cây phục hồi nhanh chóng. Khi sầu riêng phục hồi cần tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế bón phân vô cơ để tăng độ phì nhiêu của đất. Đợi khi cây hồi phục hoàn toàn mới tiến hành làm trái trở lại.
|
Theo ông Huỳnh Văn Mười Một- công chức địa chính, nông nghiệp xã Quới Thiện, thời gian qua, xã ghi nhận một số vườn sầu riêng tiếp tục có dấu hiệu héo lá, rụng trái sau những cơn mưa đầu mùa. Địa phương đang thống kê chi tiết, đánh giá thiệt hại để đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân.
Không riêng ở xã Quới Thiện, sầu riêng héo lá sau mưa đầu mùa cũng xảy ra ở xã Thanh Bình. Ông Nguyễn Hoàng Đệ- công chức địa chính, nông nghiệp xã Thanh Bình- cho hay hiện tượng này xảy ra rải rác trên hầu hết diện tích sầu riêng, nhất là những vườn sầu riêng trước đó bị ảnh hưởng hạn, mặn thì nay tiếp tục suy kiệt sau mưa.
Theo ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, tổng diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng hạn, mặn toàn xã khoảng 400ha của trên 530 hộ.
Thời gian qua, thông qua sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, nhà vườn nơi đây đã tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giải độc mặn, cứu vườn sầu riêng. Nhờ đó, một số vườn sầu riêng đã phục hồi tốt. Tuy nhiên, hiện tượng sầu riêng tiếp tục héo lá sau trận mưa đầu mùa, đã khiến không ít nhà vườn hoang mang.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) có khoảng 1.000ha sầu riêng, trong đó có khoảng 540ha bị ảnh hưởng do hạn, mặn.
Đến nay, tuy đã bước vào mùa mưa, nhưng tình trạng sầu riêng rụng lá, chết khô tái diễn làm cho mọi nỗ lực cứu vườn sầu riêng thời gian qua của nhiều nhà vườn ở cù lao Dài chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện, 2 địa phương trên đang thống kê đánh giá thiệt hại để đề xuất ngành chuyên môn các biện pháp hỗ trợ cho nhà vườn phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu- Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũng Liêm, bên cạnh việc mẫn cảm với mặn, cây sầu riêng có khả năng chịu ngập úng rất thấp, chỉ cần bị ngập úng 1- 2 ngày hoặc mưa kéo dài mà không thoát nước tốt sẽ làm thối rễ cây, lá, hoa bị khô và rụng làm cho cây chết hàng loạt. Vì vậy việc xử lý vườn sầu riêng bị ngập úng kịp thời mang tính chất quyết định trong việc cứu sống vườn cây.
Ngoài làm thối rễ khiến sầu riêng không hấp thu được nước và chất dinh dưỡng, ngập úng còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển, đất bị lèn ra rễ cây không tiếp xúc được với không khí.
Vì vậy, kỹ thuật xử lý vườn sầu riêng bị mưa, ngập úng cần làm cho vườn cây khô ráo càng nhanh càng tốt bằng cách đào rãnh để thoát nước thật nhanh, thu gom tất cả lá cây, cỏ rác trong vườn, kết hợp tỉa bỏ các cành gần mặt đất để vườn cây thông thoáng, móc bỏ phần đất lấp cổ rễ để cổ rễ nằm thoáng trên mặt đất, nạo bớt lớp đất bị lèn trên mô để không khí có thể thâm nhập vào trong, đồng thời rễ cây tiếp xúc với thuốc tốt hơn khi xử lý. Bên cạnh đó, nhà vườn cần quan tâm diệt trừ nấm bệnh, phòng ngừa cây bị thối rễ và bổ sung dinh dưỡng kịp thời, hợp lý cho cây.
Phòng ngừa sầu riêng bị thối rễ do ngập úng
Phối hợp thuốc hóa học để tưới gồm: 3g Metalaxyl 25- 35% + 2ml Hexaconazole 5% (Anvil) cho 1 lít nước tưới đều quanh gốc cây với liều lượng 3- 10 lít/cây tùy vào độ lớn của cây. Nếu bơm được thuốc xuống đất thì càng tốt. Lưu ý: Việc tưới gốc nêu trên phải được thực hiện ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Ngoài 2 loại thuốc trên có thể phối hợp 2 loại thuốc sau để tưới, gồm: 3g Curzate M8 + 2ml Carbendazim cho 1 lít nước để tưới hoặc chọn các loại thuốc khác có thể diệt trừ được các nhóm nấm Phythopthora sp, Pythium sp, Fusarium sp (gồm các loại thuốc: Atracol, Curzate M8, Dithane, Kumulus, Nativo, Anvil, Phytocide, Daconil, Norshield, Insuran, Coc 85, Aliette, Trichoderma,…); rải vôi đều quanh gốc cây với liều lượng 0,3- 0,6 kg/gốc tùy vào tán cây lớn hay nhỏ.
|
LÊ SƠN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)