Trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, nhiều loại cây trồng ở vùng ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề, thậm chí chết trắng. Trong khi đó, cây sapô (tức Hồng Xiêm) tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn xanh tươi trĩu quả. Đây là một trong số cây ăn quả có khả năng thích ứng với hạn mặn cao, giúp nhà vườn có nguồn thu nhập ổn định.
Sau đợt hạn mặn vườn sa pô ở tỉnh Tiền Giang vẫn tốt tươi.
Ông Nguyễn Tấn Trung, nhà vườn ở ấp Hội, xã Kim Sơn cũng như nhiều nhà vườn khác ở địa phương rất phấn khởi khi trái sapô hiện nay trúng giá. Ở thời điểm này, sapô giá đến 25.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với cùng vụ năm ngoái. Đặc biệt đợt hạn mặn vừa qua, cây sapô không bị thiệt hại mà phát triển tươi tốt.
Ông Nguyễn Tấn Trung bày tỏ: “Mình cũng có chuyển nhiều loại cây rồi, nhưng về mặt kinh tế cây sapô so với các loại cây khác thì ổn định hơn. Cây rất dễ trồng, chăm sóc cũng dễ dàng so với các loại cây khác. Nếu gặp hạn mặn vẫn chống chịu được, tỉ lệ sống cao hơn các loại cây kia. Khi triều cường, ngập úng mình xả nước ra kịp thời cây vẫn sống”.
Bà Huỳnh Mỹ Trang ở xã Kim Sơn trồng hơn 01 ha cây sapô, sau đợt hạn mặn cũng có nguồn thu trên 400 triệu đồng, cho biết: “Tôi có hơn chục công đất, từ trước đến nay trồng toàn cây này. Cây sapô chịu nước mặn vẫn có trái bình thường. Nhờ cây này, hàng tháng tôi đều có tiền, thu hoạch đều”.
Người dân thu hoạch trái sapô.
Cây sapô đã bám rễ trên vùng đất ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hơn 30 năm qua với trên 2.000 ha, tập trung nhiều ở các xã Kim Sơn, Phú Phong, Bàn Long, Vĩnh Kim, Bình Trưng, Long Hưng…
Đến nay, loại cây ăn quả này vẫn được người dân lựa chọn và cho thu nhập ổn định. Có thời điểm khan hàng, giá trái sa pô lên đến hơn 30.0000 đồng/kg; thời điểm dội hàng giá cũng ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg. Trung bình 01 ha trồng cây sa pô, nhà vườn cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, đợt hạn mặn vừa qua, cây sa pô không bị thiệt hại do thiếu nguồn nước ngọt.
Ông Trần Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, toàn xã có gần 800 ha vườn cây sa pô, đa số nhà vườn trồng loại cây này đều có cuộc sống khá giả.
“Cây sapô thích hợp với thổ nhưỡng, vùng đất xã Kim Sơn. Hướng tới, địa phương vẫn duy trì và phát triển trồng cây sa pô này. Ở xã có thành lập hợp tác xã sa pô Mặc Bắc, liên kết với các ngành chức năng của huyện để chuyển giao khoa học- kỹ thuật, hướng dẫn cho người dân sản xuất cây sa pô theo hướng Viet GAP để có chất lượng, đảm bảo đầu ra”, ông Quá cho biết thêm.
Nhà vườn vệ sinh trái sa pô trước khi đưa đi tiêu thụ.
Gần đây khi trái sa pô ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền “sa pô Mặc Bắc – Kim Sơn”, đầu ra loại trái cây này rất thuận lợi. Ngoài thị trường tiêu thụ nội địa, trái sa pô còn xuất đi một số nước khác trên thế giới.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Hạnh Phúc- doanh nghiệp chuyên kinh doanh trái cây tại xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, trái sa pô rất triển vọng do thị trường hút hàng. Theo ông nhà vườn cần nhân rộng diện tích cây này để có nguồn thu nhập ổn định.
“Cây sa pô cho trái quanh năm, thị trường tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc rất thích. Xuất khẩu thì đã đi thị trường Singapore. Trái sa pô tương lai rất triển vọng. Là một công ty xuất khẩu trái cây, tôi cũng khuyên bà con nên nhân rộng cây sa pô vì cây này thích hợp nhiều vùng đất và dễ phát triển”, ông Vinh cho hay.
Cây Sa pô là 1 trong 11 loại trái cây đặc sản của vùng đất Tiền Giang. Đây là loại cây ăn quả dễ trồng, thích nghi với hạn mặn và cho thu nhập ổn định. Sau đợt hạn mặn 2020, nhà vườn khu vực ĐBSCL nhân rộng loại cây ăn trái này.
Vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền và ngành chuyên môn là cần chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhà vườn trồng cây sa pô đạt chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)