Để bảo vệ sầu riêng khỏi sóc, nhen cắn phá, người dân phải dùng lưới sắt bao trái lại
Hấp dẫn sầu riêng núi
Là một trong những người định cư lâu năm trên vùng núi Cấm, ông Hồ Việt Trung (ấp Vồ Bà) cho biết, cây sầu riêng xuất hiện ở đây từ rất lâu. Đối với giống cây sầu riêng thì ông cũng như nhiều người dân khác ở đây đều không biết, chỉ gọi là sầu riêng núi, sầu riêng hột để phân biệt với các giống sầu riêng khác.
Đặc điểm của loại sầu riêng này là thân cây khá cao. Nhiều cây có tuổi đời vài chục năm và có chiều cao lên đến hàng chục mét, do đó việc chăm sóc và thu hoạch trái gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình trồng không cần phải tốn công chăm sóc hay chi phí sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trái sầu riêng không to nhưng cho trái rất sai.
Nhà có khoảng 20 gốc sầu riêng, anh Phạm Hoài Phương (dưới chân vồ Bồ Hong) cho biết, do sinh trưởng chủ yếu trên vùng đất đá nghèo dinh dưỡng, phải mất 5-10 năm cây mới cho trái. Để thưởng thức được trái sầu riêng, phải chờ cho đến khi trái chín rụng. Sầu riêng loại này có nhiều múi, cơm nhiều, hạt nhỏ, hương vị không thua kém so với các giống được trồng ở đồng bằng.
Trước đây, sầu riêng trên núi bán với giá khá rẻ, lại bị sóc, nhen phá hoại, nhiều hộ dân phải chặt bỏ, trồng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, sầu riêng trở thành một trong những loại trái cây đặc sản, số lượng không đủ để bán. Muốn ăn được trái tại gốc phải đặt trước mới có đủ số lượng để cung cấp. Sầu riêng bán tại vườn có giá 40.000-60.000 đồng/kg.
Cây trồng tiềm năng
Ngoài sầu riêng núi, sầu riêng hột, nhiều nhà vườn trên núi Cấm đã phát triển các giống sầu riêng mới cho năng suất cao và ổn định hơn. Trong đó phải kể đến 2 giống cây sầu riêng được người nông dân ở đây lựa chọn là Monthong và Ri 6, cây được trồng khá phổ biến. Canh tác các giống sầu riêng này, nông dân vẫn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Gia đình ông Trần Hoàng Anh (ấp Vồ Đầu) có 20 công đất vườn. Trước đây, phần đất này được ông trồng cam, quýt. Ngoài ra, ông còn trồng xen thêm vài chục gốc sầu riêng với các giống như: Monthong, Ri 6… để đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hai năm trước, do cây quýt và cam bị lão hóa, cho năng suất thấp và thường xuyên bị bệnh nên ông quyết định chặt bỏ. Nhờ vậy mà cây sầu riêng có điều kiện phát triển, cho trái sai và to hơn.
Ông Hoàng Anh chia sẻ: “Trước đây, trong quá trình canh tác, gia đình tôi vẫn bón phân thuốc bình thường nhưng cây sầu riêng không phát triển được do quýt và cam hút chất dinh dưỡng gần hết. Năng suất mỗi vụ sầu riêng không cao. Từ ngày chặt bớt quýt và cam, sầu riêng hấp thu chất dinh dưỡng đầy đủ, cho trái sai. Bình quân, mỗi cây cho từ vài chục đến 100 trái. Trọng lượng mỗi trái từ 5-7kg”.
Theo ông Hoàng Anh, sầu riêng bắt đầu ra hoa từ tháng 11 (âm lịch) và kéo dài đến tháng 4 năm sau mới bắt đầu thu hoạch. Thời điểm này chậm hơn các vườn sầu riêng trong và ngoài tỉnh. Do đó, giá mặt hàng này luôn được đảm bảo, tạo lợi thế lớn trên thị trường.
“Năm vừa rồi, trên 50 gốc sầu riêng đã mang thu nhập khoảng 100 triệu đồng cho gia đình tôi. Năm nay, do thời tiết nắng nóng dẫn đến nhiều trái bị nứt, bị sâu ăn nên ảnh hưởng đến năng suất trái. Được cái giá bán cao, 100.000 đồng/kg (mua tại vườn) thu nhập không ảnh hưởng nhiều. Hiện, gia đình tôi đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng, phát triển thêm nhiều giống sầu riêng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Hoàng Anh thông tin.
Sầu riêng là một trong những đặc sản không thể bỏ qua khi đến tham quan núi Cấm. Nhiều nông dân đang cải tạo vườn tạp để phát triển cây trồng nhiều tiềm năng này. Hiện ngành chức năng đã tiến hành khảo sát các vườn sầu riêng trên núi, từ đó có những định hướng để phát triển các loại hình du lịch đối với địa phương.
ĐÌNH ĐỨC - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)