Các công nhân trên công trường thi công tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cần hoàn thành các dự án kết nối
Theo nhận định của lãnh đạo các địa phương vùng ÐBSCL, hạ tầng giao thông yếu kém, đang là nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Do đó, lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và có chủ trương giao các bộ, ngành tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm tại vùng. Nhất là xây dựng hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ (QL), tuyến cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ÐBSCL gồm: QL 91 (đoạn km0-km7), QL 91C (nối QL 91 với QL Nam sông Hậu), nâng cấp QL 61C giai đoạn 2 đạt quy mô 4 làn xe, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nâng cấp đường từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui (giai đoạn 2 thuộc tuyến quốc lộ Nam sông Hậu)… Về đường thủy, sớm triển khai giai đoạn 2 hoàn thành dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn (20.000 tấn) ra vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố) và nạo vét luồng Ðịnh An. Về đường hàng không, chủ trương nâng cấp, mở rộng cụm Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ trở thành trung tâm logistics kho vận của quốc gia và khu vực. Về đường sắt, chủ trương tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ…
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: TP Cần Thơ cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sử dụng nguồn vốn ODA còn dư của Ngân hàng Thế giới khoảng 20.000 tỉ đồng để triển khai các dự án có tính chất liên vùng, kết nối vùng ÐBSCL mà trong thời gian qua không có vốn để thực hiện. Ðây là cơ hội rất tốt để có nguồn lực triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ để phát triển bền vững ÐBSCL. Ðối với dự án tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã được triển khai giai đoạn 1, hiện nay giai đoạn 2 còn thiếu 1.115 tỉ đồng, mong Chính phủ quan tâm. Ðây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL, bởi Cảng Cái Cui hiện chỉ có tàu tải trọng 7.000-10.000 tấn ra vào cảng nên không thể xuất khẩu trực tiếp đi Malaysia và Singapore, nông sản và gạo phải vận chuyển đi TP Hồ Chí Minh tăng thêm chi phí 10 USD/tấn…
Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới trong thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP để kiện toàn hệ thống hạ tầng giao thông vùng ÐBSCL. Cụ thể là sớm đưa vào kế hoạch triển khai tuyến cao tốc ngang Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào kế hoạch 2021-2025. Ðây là tuyến cao tốc rất quan trọng, do An Giang hiện chỉ có một tuyến QL độc đạo từ Long Xuyên đi lên Châu Ðốc và qua 2 cửa khẩu quốc tế là Khánh Bình, Tịnh Biên. Ngoài ra, Chính phủ sớm cho chủ trương triển khai cầu Hồng Ngự và tuyến QL N1 (đoạn Tân Châu - Châu Ðốc) kết nối giữa Ðồng Tháp và An Giang; dự án nâng cấp mở rộng QL 91C chiều dài 35,5km (điểm đầu nối QL 91, điểm cuối giáp biên giáp Campuchia), tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.
Tỉnh Vĩnh Long đề xuất Trung ương đầu tư nâng cấp 2 tuyến QL 54 và QL 53. Các tuyến QL này kết nối các tỉnh Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, tạo thông tuyến, giúp tăng lưu thông và vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư cho các địa phương. Tỉnh Ðồng Tháp mong muốn Chính phủ xem xét, hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án trọng điểm, như sớm đầu tư tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, tuyến N1 qua địa bàn tỉnh, xây dựng tuyến QL 30 (đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà), hoàn chỉnh QL 30 tuyến tránh TP Cao Lãnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ngoài đầu tư tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối Trần Ðề) và hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau, cũng cần sớm đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cầu Ðại Ngãi và cảng nước sâu Trần Ðề… Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, cần thúc đẩy các mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Riêng cảng nước sâu Trần Ðề, tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp, hoàn thiện và trình phê duyệt hồ sơ bổ sung cảng vào quy hoạch cảng biển đặc biệt...
Sớm khởi công nhiều công trình trọng điểm
Ðể thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL phát triển, Tập đoàn Ðèo Cả đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, để hoàn chỉnh tuyến cao tốc kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau. Ðặc biệt, đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay đã được tháo gỡ các khó khăn, đã đạt 60% khối lượng và nỗ lực thông tuyến trong năm 2020. Ðối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 135km đi qua 6 tỉnh (Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết. Tập đoàn Ðèo Cả đã đề xuất giải pháp đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau triển khai từ hai đầu Cà Mau - Bạc Liêu và Cần Thơ - Bạc Liêu. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Ðèo Cả, cho rằng: Ðể triển khai được tuyến cao tốc này, cần phải có giải pháp đồng bộ, linh hoạt từ nhiều hướng (bằng hình thức đầu tư công và hợp tác công - tư; huy động các nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn nhà đầu tư, ngân hàng). Ðịa phương các tỉnh nơi có dự án đi qua cần chủ động tiếp nhận vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cùng với nỗ lực của nhà đầu tư chắc chắn sẽ thành công, giống như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Về đầu tư giao thông liên kết vùng ÐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Bộ sẽ đề xuất chọn ra những công trình mang tính đột phá cho vùng phát triển để chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2021-2025. Năm nay, Bộ phấn đấu giải ngân đầu tư công 40.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch; đến nay đã giải ngân 16.600 tỉ đồng. Do đó, các địa phương quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, triển khai khởi công các dự án mới. Cụ thể có các dự án như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến tránh Long Xuyên, QL 57, QL 53, tuyến tránh Cà Mau…
“Tư lệnh” ngành giao thông cũng cho biết cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công trong tháng 8-2020; đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bộ GTVT đang phối hợp với Ðồng Tháp và Vĩnh Long để triển khai giải phóng mặt bằng (đã bố trí gần 900 tỉ đồng), phấn đấu khởi công những gói thầu đầu tiên trong tháng 12-2020. Riêng về đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ và Quốc hội về dự án này. Tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối với cảng Trần Ðề) hiện nay đã lập dự án đầu tư, cùng với đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 2 trục cao tốc quan trọng nhất của vùng ÐBSCL, kết nối nhiều tỉnh và kết nối với cảng. Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, để trình Thủ tướng phê duyệt dự án cầu Rạch Miễu 2, nếu kịp sẽ khởi công trong năm nay; cầu Ðại Ngãi Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án nguồn vốn lớn nên sẽ báo cáo Quốc hội để đưa vào vốn ODA trung hạn 2021-2025. Cuối năm nay sẽ hoàn thành và công bố đường cao tốc Vàm Cống - Rạch Sỏi dài 51km. Bộ cũng đang cho lập nghiên cứu chuẩn bị đầu tư QL 61C nối Kiên Giang - Hậu Giang - Cần Thơ.
Làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ, các địa phương phải lo hệ thống giao thông cho vùng ĐBSCL, nhưng xét thứ tự ưu tiên cả ngân sách nhà nước, ODA trong những công trình quan trọng ở địa bàn, như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, đường ven biển, các công trình chống sạt lở, sớm khởi công cầu Đại Ngãi... Về danh mục các chương trình, dự án đầu tư công có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng ĐBSCL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phối hợp với Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội trong giai đoạn 2021-2025.
Bài, ảnh: ANH KHOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)