Các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VĂN CỘNG
►Thúc đẩy tăng chất lượng lẫn số lượng
Hồi tháng 7-2020, UBND TP Cần Thơ đã trao quyết định công nhận cho 4 sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đạt tiêu chí sản phẩm OCOP đầu tiên được xếp hạng 4 sao và 3 sao. Trong đó, sản phẩm mắm cá tra của ông Chương Văn Khanh và rượu mận Sáu Tia của ông Nguyễn Phú Tia được xếp hạng 4 sao, sản phẩm bánh tráng dừa của bà Ðặng Thị Bích Tuyền và bánh tráng ngọt của bà Hà Thị Sáu được xếp hạng 3 sao. Giấy chứng nhận xếp hạng sao OCOP do UBND TP Cần Thơ cấp có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Ðáng chú ý, cả 4 đặc sản trên đều thuộc về các hộ sản xuất ở quận Thốt Nốt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ nay đến cuối năm, Cần Thơ sẽ xét chọn và công nhận ít nhất 16 sản phẩm nữa đạt tiêu chí OCOP. Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt chọn 40 sản phẩm có tiềm năng đạt tiêu chí OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP của Cần Thơ đã và đang được đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu như: Chả lụa Kim Ngân, dâu Hạ Châu, du lịch Chợ nổi Cái Răng, du lịch sinh thái Cồn Sơn, nhãn Ido xã Nhơn Nghĩa, sầu riêng xã Trường Thành, tranh gạo kết cườm phường Cái Khế, cá thát lát phường Phú Thứ, xoài cát xã Thới Hưng...
Theo đánh giá của Sở Công Thương, chương trình OCOP Cần Thơ được tập trung triển khai gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, khai thác lợi thế sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, phát triển thương mại hàng hóa của địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cần Thơ chú trọng đến chất lượng của sản phẩm, chứ không đặt tham vọng đến số lượng sản phẩm OCOP. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm đáp ứng tiêu chí OCOP, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát sản phẩm trên thị trường; kiên quyết hạ bậc xếp hạng đối với sản phẩm không đạt chất lượng đăng ký; tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, nhiều tỉnh ở ÐBSCL đã có bước tiến nhanh xét chọn công nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng được kiểm chứng trên thị trường. Bến Tre và Ðồng Tháp nằm trong số 12 tỉnh, thành được Trung ương chọn làm mô hình chỉ đạo điểm thực hiện chương trình OCOP của cả nước. Bến Tre có 37 sản phẩm OCOP được trao chứng nhận vào đầu năm 2020, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao. Ðồng Tháp đã cấp giấy chứng nhận OCOP hạng từ 3 đến 4 sao cho 70 sản phẩm của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từ cuối năm 2019. Theo đó, có 23 sản phẩm được đánh giá đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Sóc Trăng đã có 75 sản phẩm xếp hạng OCOP, gồm 51 sản phẩm đạt 3 sao và 24 sản phẩm đạt 4 sao. Ðặc biệt, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP Sóc Trăng đã đề xuất Hội đồng Trung ương thăng hạng 5 sao cho 8 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP trong năm 2019 của tỉnh gồm: Gạo thơm ST24, trà mãng cầu hương vị đậm đà, trà mãng cầu hương vị thuần túy, trà mãng cầu túi lọc, gạo Tài Nguyên hiệu Phú Khang, nấm rơm đóng hộp, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nấm linh chi thái lát.
Theo hệ thống quản lý và giám sát của Chương trình OCOP, hạng 5 sao là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 4 sao là sản phẩm đạt tiêu chuẩn có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hạng 3 sao là sản phẩm tiêu chuẩn có thể phát triển lên hạng 4 sao.
Dâu Hạ Châu của huyện Phong Điền là 1 trong 40 sản phẩm tiềm năng được thành phố chọn phát triển thành sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2019-2020. Ảnh: MỸ THANH
►Hợp lực quảng bá, mở rộng thị trường
Trong nỗ lực thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh An Giang đang có kế hoạch tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP ÐBSCL năm 2020 với chủ đề "Sản phẩm OCOP - Xây dựng và Phát triển thương hiệu". Hội chợ được tổ chức tại thành phố Long Xuyên, thu hút không chỉ các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành ÐBSCL mà nhiều địa phương khác trên cả nước đăng ký tham gia. Hồi cuối tháng 7, tại thành phố Châu Ðốc, An Giang cũng tổ chức ngày hội các sản phẩm tiêu biểu, nổi tiếng của 4 tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Long An và Tây Ninh. Ngày hội thu hút sự tham gia của 50 doanh nghiệp với hơn 1.000 mặt hàng nổi bật, nhất là các sản phẩm OCOP.
Năm 2019, Bến Tre là địa phương đầu tiên tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP ÐBSCL. Ðây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm OCOP; chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành ÐBSCL với các tỉnh, thành khác trên cả nước; nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó các địa phương, các tổ chức kinh tế sẽ có những phương án phù hợp trong việc cải tiến mẫu mã, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ sản xuất mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Bến Tre cũng lần đầu tiên tổ chức hội chợ giới thiệu 120 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh tại TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong năm 2019, tại TP Hồ Chí Minh cũng đã diễn ra Hội chợ quốc tế OCOP và Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ - quà tặng. Ngoài các doanh nghiệp của Việt Nam, hội chợ còn chào đón sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài đến từ các 15 quốc gia trên thế giới. Hội chợ này là một phần của Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu. Ðây là diễn đàn được tổ chức với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác gữa các nước đang triển khai chương trình OCOP, thúc đẩy phong trào OCOP trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực và thương mại, quảng bá Chương trình OCOP Việt Nam trên toàn cầu; quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Việt Nam tới bạn bè quốc tế cũng như giữa các địa phương trên cả nước.
Việt Nam là nước có sáng kiến mở mạng lưới liên kết Chương trình OCOP ra toàn cầu. Tính đến thời điểm này đã có 43 nước phê duyệt Chương trình OCOP, trong đó đã có 20 nước tham gia mạng lưới này.
OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là "One commune, one product") là mô hình được học tập từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản" (tiếng Anh là One village, one product - viết tắt là OVOP). OVOP được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân. Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công, góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.
Phong trào OVOP đã được Việt Nam tiếp nhận và triển khai từ năm 2006 với đề án "Mỗi làng một nghề". Nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai đạt hiệu quả bước đầu, trong đó có tỉnh Quảng Ninh với đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" triển khai từ năm 2013. Ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP).
ĐỨC TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)