Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 31-7. Ảnh: MINH ANH
Kết nối mạng lưới
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cà Mau sẽ kết nối ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh và cả nước, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thế mạnh của vùng, đồng thời phát triển các đô thị nằm dọc tuyến cao tốc… Ðây là tuyến đường rất được chờ đợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn.
Ðối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau, đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có chiều dài toàn tuyến hơn 61km (tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ) đã xây dựng hoàn thành và được đưa vào khai thác khoảng 10 năm nay. Ðây cũng là đoạn cao tốc duy nhất ở ÐBSCL, với lưu lượng hàng chục ngàn phương tiện lưu thông hằng ngày. Ðoạn cao tốc góp phần rút ngắn khoảng cách và giảm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Ðông Nam Bộ.
Ðoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km (điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung - tỉnh Tiền Giang), được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành trong năm 2021. Theo Ban Ðiều hành Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay đã đạt hơn 60% khối lượng thi công. Dự án đang bước vào thi công các công trình phụ trợ như: đường gom, cầu vượt, hệ thống đảm bảo an toàn song song với thi công cầu, đường dẫn 2 đầu cầu cũng như tăng tải một số đoạn đường cần thiết để xử lý nền đất yếu sau khi đã quan trắc. Một số gói thầu đang chuẩn bị cho công tác thảm nhựa. Mới đây (ngày 17-8), tại gói thầu XL04 (nút giao Thân Cửu Nghĩa) nhà thầu đã tiến hành thảm những mét bê tông nhựa đầu tiên của dự án, thêm một bước khẳng định quyết tâm thông tuyến vào cuối năm 2020 của nhà đầu tư, phục vụ người dân đi lại trên tuyến dịp Tết Nguyên đán 2021.
Kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những cố gắng rất lớn của chủ đầu tư, các nhà thầu, địa phương, các cơ quan liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh đây là tuyến đường rất ý nghĩa đối với nhân dân vùng ÐBSCL cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Bộ GTVT phải tiếp tục triển khai cầu Mỹ Thuận 2 sớm nhất vì đã có nguồn vốn. Bộ GTVT cũng đảm nhận việc triển khai công trình từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, giải ngân hết số vốn. Ðồng thời, nghiên cứu tuyến Cần Thơ - Cà Mau, đưa vào kế hoạch 2021-2025 để hoàn thiện 365km từ TP Hồ Chí Minh đi Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19-8-2020, Ban Quản lý Dự án 7 đã tổ chức thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, với tổng kinh phí đầu tư của dự án khoảng 5.003 tỉ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài hơn 1,9km, với 6 làn xe. Ðối với đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT cũng dự kiến khởi công những gói thầu đầu tiên trong tháng 12-2020, Bộ đang phối hợp với Ðồng Tháp và Vĩnh Long để triển khai giải phóng mặt bằng (đã bố trí gần 900 tỉ đồng).
Kỳ vọng của đồng bằng
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Trong vùng ÐBSCL, Cà Mau hết sức khó khăn về giao thông khi gần như có 1 đường độc đạo. Ðường quốc lộ từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau rất hẹp, lưu lượng đông. Trong khi đây là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy hải sản của cả nước. Trong những năm qua, đoạn tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương xuống cấp; đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ đã 10 năm; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ về đến Cà Mau theo kế hoạch ban đầu thì sau năm 2030 mới làm. Ðiều đó gây khó khăn cho Cà Mau. Trong cuộc làm việc với Thủ tướng đầu tháng 8-2020, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện. Chúng tôi thấy cần thiết phải kéo thời gian thực hiện về giai đoạn 2021-2025 và Thủ tướng đã đồng ý”.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành ÐBSCL vào ngày 1-8-2020. Theo đó, về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng kết luận giao Bộ GTVT tập trung nghiên cứu đầu tư tuyến đường thành 2 dự án thành phần: Dự án đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án (trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP), báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 9-2020.
Dự kiến tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài khoảng 135km (đi qua 6 tỉnh, thành: Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Ðoạn cao tốc này cũng dự kiến kết nối vùng thuận lợi vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn của vùng ÐBSCL (TP Cần Thơ, TP Ngã Bảy, thị xã Ngã Năm, thị trấn Phước Long và TP Cà Mau…); kết nối giao thông cũng thuận lợi (đầu tuyến kết nối vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tỉnh Vĩnh Long, qua cầu Cần Thơ 2, đoạn giữa tuyến kết nối vào 2 đường cao tốc trục ngang…).
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Ðèo Cả, đoạn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dự kiến sẽ thông toàn tuyến trong năm 2023. Ðể sớm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng ÐBSCL, thỏa nỗi mong chờ của nhân dân người dân thì việc kết nối với tuyến cao tốc từ Cần Thơ - Cà Mau thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là tất yếu và khách quan. Ðể triển khai được tuyến cao tốc này, cần phải có giải pháp đồng bộ, linh hoạt từ nhiều hướng (bằng hình thức đầu tư PPP; huy động các nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn nhà đầu tư, ngân hàng). Ðoạn Bạc Liêu - Cà Mau do UBND tỉnh Cà Mau làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, thực hiện theo PPP, trong đó nhà nước tham gia 50%, tư nhân góp 50%.
ANH KHOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)