Tầm nhìn mới
Cần Thơ được định hướng phát triển là trung tâm vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Đô thị Cần Thơ. Ảnh: ANH KIỆT
Mục tiêu Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030: Cần Thơ là trung tâm vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL… Với tầm nhìn xuyên suốt và tiếp nối Nghị quyết 45, thì Nghị quyết 59 đã đề ra các mục tiêu cụ thể về tăng trưởng kinh tế trong từng giai đoạn 5 năm đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng GRDP đạt mức 7,5-8%/năm; dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,17-54,73%, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,71-33,99%, nông nghiệp 5,61-5,9% trong cơ cấu kinh tế. Giai đoạn 2026-2030 tăng 7-7,5%/năm; dịch vụ chiếm 56,49-56,71%, công nghiệp và xây dựng 34,02-34,28%, nông nghiệp chỉ còn 3,42-4% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Sự chuyển dịch mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp là phù hợp với thế mạnh hiện có của thành phố.
Năm 2019, quy mô nền kinh tế TP Cần Thơ tăng 7 lần so với năm 2005; thành phố đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tăng trưởng kinh tế của thành phố trong suốt 15 năm qua ở mức bình quân 7,27%/năm. Theo nhận định của các cơ quan Trung ương, trong quá trình phát triển, triển khai Nghị quyết 45 đã bộc lộ một số hạn chế, thành phố chưa có những dự án tạo được sức hút, lan tỏa cho cả vùng ĐBSCL. Do vậy, thành phố cần một quyết sách mới để thực hiện vai trò trung tâm động lực kinh tế vùng, kết nối liên vùng, liên vận quốc tế và Nghị quyết 59 là tầm nhìn mới cho Cần Thơ.
Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng: “Để hiện thực hóa được “tầm nhìn” của Nghị quyết 59 phải bằng các thang đo với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được hay không phụ thuộc luận cứ khoa học chắc chắn, thực tiễn phong phú, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và kết quả vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tham gia. Kết quả cuối cùng vẫn là lời giải cho bài toán kinh tế, bố trí nguồn lực “đầu vào” đúng nhu cầu, khả năng đáp ứng và kết quả “đầu ra” trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu quả xã hội “chất lượng cuộc sống của người dân” TP Cần Thơ”. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, một trung tâm vùng không thể “từ từ mà tiến” theo cách thức phân bổ nguồn lực “dàn đều” mà phải có cơ chế bứt phá. Trong khi nguồn lực ngân sách giới hạn, căn kéo bởi nhu cầu của 63 tỉnh, thành cả nước, thì cơ chế huy động nguồn lực đầu tư ngoài xã hội cho TP Cần Thơ là cực kỳ quan trọng để tạo lực bứt phá vượt lên.
Cần sự chuyển động đồng bộ
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: Một trong những quan điểm cốt lõi của Nghị quyết số 59 là Cần Thơ tiếp tục vai trò thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, xây dựng và phát triển tiếp tục trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố và của vùng; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL và thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á. Theo đó, Trung ương cần có cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù cho thành phố; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông sẽ là các yếu tố mang tính đòn bẩy để giúp TP Cần Thơ đạt được tầm nhìn của Nghị quyết 59.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, định hướng chính sách dài hạn cho Cần Thơ không có con đường nào khác là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững, phát huy lợi thế trung tâm vùng và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, chủ động hội nhập quốc tế. Nỗ lực trong ngắn hạn của Cần Thơ cần tập trung cho các khâu đột phá đã được xác định: thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng. Ngoài ra cần cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố qua các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh.
“Hai nhóm giải pháp kèm theo chính sách ưu tiên hàng đầu cần được thành phố xem xét. Một là, đầu tư tạo nguồn lực mới cho phát triển, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lực mới đến từ cải cách thể chế (tận dụng từ cải cách thể chế từ Trung ương và nỗ lực của thành phố). Hai là, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực được xác định, phát triển đồng bộ ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng ĐBSCL”- Tiến sĩ Hiệp nói.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, để phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển và khai thác tốt nội lực, TP Cần Thơ cần tập trung hoàn thành lập Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và trình Chính phủ đề xuất cơ chế liên kết trong vùng có tính pháp lý song hành với các cơ chế mang tính tự nguyện. Thành phố cần tập trung mọi nguồn lực cho tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó công nghệ thông tin (AI, 5G, blockchain, Internet của vạn vật, điện toán đám mây…) là yếu tố then chốt trong cơ cấu lại ngành dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời là cơ sở để hình thành các sàn giao dịch điện tử nông sản, công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, và dịch vụ du lịch trong vai trò trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)