Hỗ trợ doanh nghiệp Cần chính sách dài hơi

Chủ nhật, 25 Tháng 10 2020 15:46 (GMT+7)
Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa là đối tượng chịu tổn thương nặng nhất nếu có tác động từ thị trường. Trong 5 năm qua, các bộ ngành và địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ, nhưng chất lượng, số lượng DN vẫn chưa thể tăng như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ DN có nhiều nhưng chưa đủ để giải quyết tận gốc rễ những khó khăn mà DN vướng mắc.
DN cần vốn đầu tư dài hạn để đổi mới công nghệ. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Meko, TP Cần Thơ may hàng xuất khẩu.
 
Áp lực cạnh tranh
 
Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là chính sách khẳng định vị trí quan trọng của cộng đồng DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm qua, có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa khá toàn diện được ban hành để thực hiện Nghị quyết 35. Hàng ngàn thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến hoạt động DN được cắt giảm để đẩy nhanh quá trình gia nhập thị trường cho DN, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh. Các địa phương cũng xây dựng chương trình hành động, Chỉ thị thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP; cam kết về số lượng phát triển DN mới; các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và DN để lắng nghe nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của DN được triển khai đều đặn; chương trình kết nối ngân hàng - DN để tạo cầu nối giúp DN tiếp cận vốn tốt hơn. 
 
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng DN cả nước bình quân khoảng 14,4%, tăng khoảng 80% so với giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2015 là 36,5%; đến năm 2019 đạt mức 46%. Tuy nhiên, mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động trong năm 2020 không đạt, một phần do tác động của đại dịch COVID-19, tỷ lệ DN phá sản tăng, thiếu chính sách dài hơi cho DN; một phần do nội lực của DN yếu, nên không thể trụ vững.
 
PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Sau đại học, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Có đến 93% là DN quy mô nhỏ và vừa, trong khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, DN không chỉ cạnh tranh xuất khẩu mà còn chịu sức ép lớn của hàng hóa ngoại nhập ngay sân nhà. Thói quen của DN Việt là sản xuất rồi mới đi chào bán sản phẩm, nếu bị ách đầu ra, gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, nội lực DN yếu thì thành lập nhanh mà phá sản cũng nhanh là vậy”. Theo PGS.TS Mai Văn Nam, năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết DN trên thế giới đều bị tác động, chứ không chỉ có Việt Nam. Ðầu ra sản phẩm giải quyết không được, đầu vào cũng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu; người dân thì thắt chặt chi tiêu, do thu nhập giảm, nên thị trường trong nước cũng gặp khó khăn.
 
Theo PGS.TS Mai Văn Nam, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ DN được thực hiện rất tốt, như chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại… Các tỉnh, thành đều có Quỹ bảo lãnh tín dụng DN, TP Cần Thơ cũng làm rất tốt vấn đề này. Nhưng không có đầu ra ổn định thì DN không thể sản xuất và không có nhu cầu vay vốn. Thêm vào đó, muốn cạnh tranh tốt thì phải đầu tư khoa học công nghệ, nhưng DN nhỏ và siêu nhỏ không đủ năng lực tài chính để đầu tư. Các nước nhập khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao, khắt khe; thị trường nội địa thì hàng hóa ngoại chất lượng tốt, giá rẻ cũng tràn ngập, nên DN rất áp lực trong cạnh tranh và tồn tại.
 
 Cần đầu tư dài hạn
 
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, để có 1 triệu DN hoạt động trong năm 2020 thì tốc độ tăng số lượng DN hằng năm phải đạt từ 17% trở lên, nhưng giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trung bình hằng năm ở mức 14,3%. Và 9 tháng năm 2020, số DN thành lập mới là 98.955 DN, giảm 3,2% so cùng kỳ năm 2019 và vốn đăng ký bình quân trên 1 DN chỉ 14,4 tỉ đồng. Trong 9 tháng năm nay, số DN rút lui khỏi thị trường khoảng 78.306 DN; trong đó số DN ngừng kinh doanh chờ giải thể 27.588 DN, số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể là 12.089 DN...
 
Các chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương không đạt mục tiêu tăng số lượng DN, vì số rời thị trường và số gia nhập mới không có sự chênh lệch lớn. Ðơn cử như TP Cần Thơ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 12.000 DN hoạt động, nhưng số DN đang hoạt động chưa tới 10.000 DN. Năm 2019, thành phố mới có 8.351 DN, vốn bình quân 8,5 tỉ đồng/DN, chiếm khoảng 26% DN cả vùng ÐBSCL. Còn 9 tháng năm 2020, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.106 DN, vốn đăng ký 8.559 tỉ đồng (giảm 1,08% về số DN và 12,46% vốn đăng ký so với năm 2019). Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, thời gian cấp đăng ký DN đã rút ngắn xuống còn 3 ngày làm việc (trước đây là 7 ngày làm việc), 100% các hồ sơ đều được xử lý trước và trong hạn. Thành phố đã nỗ lực cải cách hành chính, thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của DN, duy trì đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với cộng đồng DN, tạo niềm tin cho cộng đồng DN... Song chưa tạo được những đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cũng cho rằng, Cần Thơ đang có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới; vận hành hiệu quả Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
 
Theo PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Sau đại học, Trường Ðại học Cần Thơ, một DN nhỏ, vốn vài tỉ đồng thì không thể đầu tư cho khoa học công nghệ. Hiện các ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng tập trung chủ yếu cho vay ngắn hạn, trung hạn, thì rất khó cho DN đổi mới công nghệ. Chính sách cho vay phải từ 3 năm trở lên, DN mới có thể đầu tư cho khoa học công nghệ. Chỉ có DN lớn mới đủ sức đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển sau đó chuyển giao cho DN nhỏ và vừa. Các DN nhỏ và vừa cùng ngành hàng phải liên kết lại với nhau để làm vệ tinh cho DN lớn. Ðồng thời Nhà nước phải đầu tư hạ tầng logistics để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Ðối với DN lớn, chi phí logistics chỉ chiếm 10-15% giá thành sản xuất, còn với DN nhỏ và vừa thì chi phí này gấp đôi. TP Cần Thơ đã được quy hoạch Trung tâm logistics hạng II, nên cần phải xúc tiến hoàn thiện nhanh để hỗ trợ DN  Cần Thơ và ÐBSCL giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Bài, ảnh: GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế