Bỏ mía trồng mít, sầu riêng
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có diện tích mía lớn nhất ĐBSCL hiện nay, với gần 5.000ha, cũng là nơi có mía chín sớm nhất vùng. Anh Hai Cường (Huỳnh Văn Cường) ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp vừa bán xong 9 công mía với giá 1.400 đồng/kg cho thương lái, lời hơn 600 đồng/kg.
Đây được xem là giá cao nhất trong 5 năm qua. Anh Hai Cường cho biết: “Gia đình chỉ cần cho thương lái mượn một ghe nhỏ để chở mía từ kinh ra sông và nước uống, còn các công đoạn khác thương lái tự lo. Thương lái chia ra thu hoạch thành nhiều đợt. Tuy nhiên, gia đình cũng quyết định bán 2 công đất liếp để trồng mít và sầu riêng”.
Theo anh Cường, mía bán được giá đầu vụ là nhờ thương lái từ TPHCM và Cần Thơ đến mua về bán lại dạng ép nước mía. Tuy nhiên, hình thức bán này cũng nhiều “may rủi”, nông dân phải tìm và lệ thuộc rất lớn vào thương lái. Chính vụ, nông dân đồng loạt thu hoạch rộ thì khó tìm thương lái dạng này. Tâm trạng của gia đình anh Hai Cường cũng là điển hình chung của nông dân trồng mía còn lại ở Phụng Hiệp.
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp Trần Văn Tuấn, hiện nay, nông dân huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch và bán 1.000/4.700ha mía cho thương lái làm nước mía. Diện tích cây mía ở Phụng Hiệp có thời điểm đạt gần 10.000ha, năm 2018 còn 7.000ha, hiện nay chỉ còn 4.700ha. Huyện dự kiến giảm xuống còn 3.000ha để cung cấp cho nhà máy đường.
Cách đây khoảng 10 năm, khi giá đường “làm mưa, làm gió” trên thị trường, 10 nhà máy đường vùng ĐBSCL tranh nhau mua mía nguyên liệu. Nhưng nay, giá đường liên tục giảm, các nhà máy đường thua lỗ, giờ chỉ còn 3 nhà máy (ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh), dự kiến hoạt động từ cuối tháng 10-2020.
Bấm bụng bán cho nhà máy
Những năm qua, giá thu mua mía nguyên liệu của nhà máy luôn thấp, nông dân từ huề đến lỗ vốn. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, giá thành sản xuất của nông dân dao động khoảng 780 đồng/kg (trong đó giá thuê nhân công đốn mía khoảng 250 đồng/kg, chiếm gần 1/3 giá thành sản xuất). Ngày 7-10, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết: Giá mua mía nguyên liệu của Casuco là 820 đồng/kg (mía 10 chữ đường). Đây là mức giá rất thấp để nông dân có lời. Đây cũng lý giải phần nào câu nói của nông dân Hai Cường: “Bán mía cho nhà máy đường trước sau gì cũng phá sản!”. Nhiều nông dân còn bám cây mía vì khó có nguồn lực tài chính để chuyển đổi.
Một lãnh đạo nhà máy đường phân tích: Với giá đường bán buôn trên thị trường dao động từ 12.000-12.500 đồng/kg như hiện nay, phía nhà máy khó có thể mua mía nguyên liệu trên ngưỡng 900 đồng/kg. Cái khó của các nhà máy còn sót lại là, nếu trước đây, nguồn mía dồi dào, nhà máy hoạt động 6 tháng, nay diện tích giảm, các nhà máy chỉ hoạt động 3 tháng nhưng phải trả tiền “nuôi quân” đến 9 tháng “nằm không”. “1kg đường hiện nay các nhà máy chỉ lời khoảng 200 đồng, một nhà máy có công suất lớn hoạt động cũng chỉ lãi khoảng 5 tỷ đồng, trong khi đó, vốn điều lệ trên 130 tỷ đồng. Tính ra hoạt động 1 năm không bằng gửi ngân hàng”, một người trong ngành mía đường chua xót nhận định.
Gần 20 năm trước, không chỉ ĐBSCL mà cả nước ồ ạt nhập khẩu thiết bị về làm nhà máy đường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện còn gần 33.000 hộ nông dân, với khoảng 1,5 triệu lao động nông nghiệp tham gia ngành mía đường.