Chiều 4-6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên là "tư lệnh" ngành thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH về các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Trong đó, công tác quản lý, giám sát, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những nội dung được nhiều ĐB quan tâm, chất vấn người đứng đầu ngành Công Thương.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP HCM) cho rằng TMĐT thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi về quy mô, địa bàn hoạt động.
"Bộ có giải pháp nào để phát triển TMĐT lành mạnh, chống hàng giả và việc thu thuế sẽ thực hiện như thế nào" - ĐB Hoàng chất vấn. Cùng băn khoăn về bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin cá nhân.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết TMĐT đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là người tiêu dùng có nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng và thất thu thuế. Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên TMĐT, Bộ trưởng cho biết đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng đó, triển khai cơ chế tiếp nhận trực tuyến phản ánh của người tiêu dùng cả nước.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, riêng trong năm 2023 đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng bán qua TMĐT.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP HCM) tham gia chất vấn.Ảnh: LÂM HIỂN
Chất vấn ngay sau đó, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa thế nào khi được mua bán qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, vận chuyển từ các nước vào Việt Nam.
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận có khó khăn trong quản lý bán hàng online, bán hàng qua livestream. Do đó, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như thông tin truyền thông, tài chính.
Với ngành Công Thương, lực lượng quản lý thị trường thời gian qua đã tăng rà soát, kiểm tra để phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng bán hàng online. Bên cạnh đó, tăng cường chia sẻ dữ liệu với các cơ quan để kịp thời xử lý sai phạm, chống thất thu thuế. Nhấn mạnh hoạt động kinh doanh online thay đổi rất nhanh, từng ngày, Bộ trưởng Công Thương cho rằng quy định pháp luật cũng cần kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế, điều chỉnh các hành vi.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nêu thực tế thời gian qua có các phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội với doanh thu thông báo "lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi ngày". Thông tin này có đúng hay không và công tác quản lý với hình thức bán hàng này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trả lời nội dung này nhưng chỉ nói về việc livestream bán hàng, không nói rõ việc doanh thu "hàng trăm tỉ đồng" có xác thực hay không. Vì vậy, ĐB Đỗ Chí Nghĩa đã dùng quyền tranh luận và đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi ông đã đặt ra.
Trả lời tiếp, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng để quản lý hoạt động livestream bán hàng, sẽ phải phối hợp, kết hợp lực lượng chức năng, rà soát quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông đến người tiêu dùng. Đồng thời phải phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị vào cuộc, "bởi mua bán, giao dịch thì cuối cùng cũng không thể qua được "lưới trời" - đó là sự phát hiện của người dân".
Trong trường hợp phát hiện, chứng minh được vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Công Thương cho biết "đương nhiên sẽ xóa vĩnh viễn trang cũng như yêu cầu các chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" và Bộ Công Thương sẽ hoàn tất hồ sơ để chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.