Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 15.2, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Đỗ Ngọc Anh (SN 1964, ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Người đàn ông 55 tuổi bị điều tra hành vi giết vợ là bà Đ.T.H (59 tuổi, chủ nhà nghỉ ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) rồi phi tang.
Bước đầu, bị can khai do mâu thuẫn kinh tế nên sát hại bà H tại nhà nghỉ ở Xuân Mai. Sau đó, ông ta dùng ôtô chở nạn nhân về phía nội thành.
Nhà nghỉ nơi nghi ngờ là hiện trường vụ án. Nguồn: Tiền Phong
Trên chiếc xe này, Ngọc Anh phân xác vợ rồi ném xuống sông Hồng từ khu vực cầu Đông Trù. Cơ quan công an đã thu được vết máu của nạn nhân trên ôtô, tiếp tục tìm tung tích chủ nhà nghỉ để làm rõ.
"Đối tượng đã thừa nhận hành vi rồi nhưng cơ quan điều tra đang cho thực nghiệm để kiểm tra tính xác thực của lời khai", lãnh đạo Công an TP.Hà Nội nói.
Hiện lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm thi thể bà Đ.T.H trên sông Hồng theo lời khai của Đỗ Ngọc Anh. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân.
Theo tìm hiểu của PV, bà H là chủ chuỗi nhà nghỉ H.A.Đ Đào I, II và III, nằm gần nhau tại khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai. Bà H kết hôn với Đỗ Ngọc Anh năm 2017.
Cơ quan chức năng đang tìm kiếm xác bị hại trên sông Hồng.
Theo Zing: Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá, hành vi sát hại vợ rồi phi tang thi thể để che giấu tội ác khiến dư luận bàng hoàng. Đó là tội ác man rợ.
Quá trình điều tra, nếu đủ căn cứ xác định Đỗ Ngọc Anh đã giết người rồi phân xác phi tang, thì sẽ cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Nếu hung thủ có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sẽ đối mặt hình phạt cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong vụ án này, là nếu cơ quan chức năng không tìm thấy phần tử thi của nạn nhân thì người chồng bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Thơm, mấu chốt của vụ án, đó là phải có căn cứ xác định nạn nhân đã tử vong. Trước đó, bà H được cho mất tích từ ngày 1.2 (27 Tết) và đến nay, người này vẫn chưa được tìm thấy.
Do đó, ngoài lời khai nhận đã giết vợ của bị can, cơ quan điều tra còn phải thu thập các chứng cứ vật chất khác chứng minh anh ta đã gây tội ác như: Hung khí, túi đựng xác, mẫu máu, ADN của nạn nhân tại hiện trường, phương tiện chở xác...
Thông tin ban đầu, vụ án không có nhân chứng trực tiếp nên cảnh sát có thể thu thập lời khai của nhân chứng gián tiếp chứng kiến Ngọc Anh và vợ mâu thuẫn, lúc ra khỏi nhà nghỉ người đàn ông có mang theo vật gì không?
Việc thực nghiệm hiện trường để mô tả lại hành trình gây án cũng là một trong những căn cứ kết tội. Nếu lời khai của Đỗ Ngọc Anh phù hợp với lời khai của nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, kết quả giám định các dấu vết thì được xem là các chứng cứ buộc tội.
Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc xử lý kẻ gây án, việc tìm ra thi thể hoặc một phần thi thể nạn nhân vẫn là một yêu cầu cấp thiết.
Nguồn: DV - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)