Sáng 23.3, thông tin từ Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng cho hay, đơn vị này đã làm thủ tục, hồ sơ để khởi kiện Grab Việt Nam ra tòa vì công ty này vi phạm pháp luật gây thiệt hại kinh tế cho Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng.
Liên quan thông tin này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng xác nhận: “Sáng nay, tôi đại diện cho Hiệp hội taxi Đà Nẵng làm việc với văn phòng luật sư để hoàn tất thủ tục khởi kiện Grab Việt Nam. Chúng tôi cũng không muốn đưa vấn đề này ra tòa, nhưng bất đắc dĩ phải làm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thành viên hiệp hội và người lao động”.
Theo hồ sơ do Hiệp hội taxi Đà Nẵng cung cấp, ngày 19.10.2015, Thủ tướng có công văn đồng ý để Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Bộ GTVT quyết định cho phép Grab thực hiện thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
Tuy nhiên, ngày 25.11.2016, UBND TP.Đà Nẵng có công văn gửi Bộ GTVT, đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ GrabCar tại Đà Nẵng nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Ngày 12.1.2017, Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng có công văn gửi Sở GTVT, Thanh tra giao thông và các ngành liên quan đề nghị có biện pháp quản lý hoạt động của Grab trên địa bàn.
Tiếp đó, UBND TP.Đà Nẵng liên tiếp có công văn đề nghị Bộ GTVT chưa triển khai dịch vụ này tại TP. Ngày 7.3.2017, Bộ GTVT có công văn trả lời Đà Nẵng, trong đó đề nghị Công ty Grab Việt Nam chỉ thực hiện ứng dụng này khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT Đà Nẵng.
Hiện Đà Nẵng có hơn 4.000 xe hoạt động như taxi trên địa bàn. Ảnh: Đình Thiên
Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho rằng, hiện tại, Đà Nẵng chưa có bất kỳ văn bản nào cho phép Grab được triển khai ứng dụng tại địa bàn. Tuy nhiên, Grab vẫn đơn phương cho thực hiện như vậy là vi phạm pháp luật, đủ cơ sở để khởi kiện ra tòa.
“Hiện lượng xe của Grab ở Đà Nẵng đã trên 4.000 xe, gấp gần 3 lần số lượng xe taxi vốn đã được TP quy hoạch là 1.700 chiếc”, ông Nhân cho biết. Ông cũng cho rằng, hiệp hội đang làm việc với đơn vị hỗ trợ tư vấn pháp lý để xác định mức độ thiệt hại để hoàn tất hồ sơ khởi kiện Grab Việt Nam ra tòa án.
Theo thống kê của Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng, sau khi Grab được thí điểm hoạt động ở Đà Nẵng, doanh thu của taxi truyền thống bị sụt giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó lợi nhuận có thể sụt giảm đến 70%. Thu nhập của người lao động giảm từ 30-50%. Hiện 8 hãng taxi trong hiệp hội đều gặp khó khăn. Các hãng đều ghi nhận tình trạng tài xế nghỉ việc để chuyển qua chạy Grab.
Dựa trên cơ sở Grap Việt Nam vi phạm luật cạnh tranh, Hiệp hội taxi Đà Nẵng sẽ khởi kiện đơn vị này ra tòa. Ảnh: Đình Thiên
Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.Đà Nẵng, có nhiều lý do để Hiệp hội taxi kiện Grab Việt Nam, trong đó có việc Grap Việt Nam đang lách luật, cạnh tranh không lành mạnh,...
“Chúng tôi không đề nghị cấm mà còn ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào ngành kinh doanh taxi. Chúng tôi không sợ GrabCar hay loại hình nào khác nếu họ cạnh tranh công bằng. Nhưng GrabCar đã không thực hiện đúng nội dung đề án thí điểm. Bản chất GrabCar hiện nay là kinh doanh taxi, không đúng như giấy phép được cấp. GrabCar đang “đánh tráo” khái niệm vận chuyển hành khách theo hợp đồng và vận chuyển hành khách bằng taxi, trong khi quy định về loại hình 2 dịch vụ này khác nhau. Đặc biệt, taxi bị ràng buộc bởi nhiều chế tài, nhất là giá cước phải đăng ký với Sở Tài chính và được Sở Tài Chính, Sở GTVT cũng như UBND địa phương đồng ý nhưng Grab thì không”, ông Nhân phân tích.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng, ông Bùi Thanh Thuận cho biết, năm 2018, Thanh tra Sở đã xử phạt 233 trường hợp Grab chạy chui với tổng số tiền hơn 730 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm nay đã xử phạt 82 trường hợp với số tiền hơn 240 triệu đồng.
Lam Hàn - Đình Thiên - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)