Sự việc bà Trần Xuân Quỳnh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) lái xe gây tai nạn khiến 2 người bị thương nhưng không đưa nạn nhân đi cấp cứu mà còn thách thức, tự xưng là người nhà cháu chủ tịch xã đã gây bức xúc trong dư luận. Tuy bà Trần Xuân Quỳnh có hành vi mạo danh cháu của chủ tịch xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang nhưng hành vi này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vì, Bộ Luật Hình sự năm 2015 không quy định hành vi mạo danh người khác để phân bua, cự cãi; ngoài ra, việc mạo danh này cũng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Nữ tài xế cùng chiếc xe gây nạn
Trường hợp bà Trương Lương Hồng Anh-Chủ tịch xã Song Thuận, huyện Châu Thành cảm thấy ảnh hưởng nặng nề về danh dự, nhân phẩm và chứng minh được có thiệt hại xảy ra thì bà Anh có thể khởi kiện yêu cầu bà Trần Xuân Quỳnh bồi thường theo quy định tại điều 592 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Trong trường hợp, bà Quỳnh gây tai nạn nhưng không đưa người bị nạn đi cấp cứu có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đồng-1 triệu đồng.
Trong trường hợp nếu cơ quan điều tra chứng minh bà Quỳnh vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và thuộc các trường hợp quy định tại điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 thì bà Quỳnh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; phạt tù đến 5 năm nếu làm chết 1 người hoặc làm bị thương, tổn hại sức khỏe đối với 1 người tỉ lệ thương tật 61% trở lên. Bên cạnh đó nếu gây thương tích cho 2 người mà tỉ lệ tổn thương mỗi người từ 31%-60%, gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng- 500 triệu đồng cũng chịu trách nhiệm tương tự.
Trường hợp nếu không có bằng lái xe, sử dụng rượu bia, gây tai nạn nhưng trốn tránh, không giúp người bị nạn; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên ... có thể bị phạt tù từ 3 năm-10 năm.
Luật sư Lưu Anh Tấn Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM)