Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể bị xử phạt hành chính

Thứ năm, 06 Tháng 6 2019 15:27 (GMT+7)
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì việc các cơ quan chức năng thông báo việc thi hành án nhưng người thi hành án vắng mặt, gây khó khăn có thể bị xử lý hành chính.

Hiến pháp năm 2013 quy định bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Trở lại việc liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo, theo hồ sơ, bà Thảo phải thi hành theo Bản án Dân sự phúc thẩm số: 51, ngày 12-11-2018 của TAND Cấp Cao tại TP HCM, trong đó buộc bà Thảo phải chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đã tiến hành các thủ tục tống đạt quyết định thi hành án, giấy báo..., nhưng bà Thảo vẫn chưa thi hành án.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể bị xử phạt hành chính - Ảnh 1.

Bà Diệp Thảo trong phiên xử ly hôn. Ảnh: Phạm Dũng

Theo đó, ngày 25-4, Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện các công việc và đã tống đạt, niêm yết theo quy định cho bà Thảo, với nội dung bà Thảo phải chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép và thực hiện giao nhận vào lúc 9 giờ ngày 6-6 tại nhà số 31 Tú Xương, quận 3. Thế nhưng, khi các lực lượng chức năng đến tại địa chỉ trên, thì không liên hệ được với bà Thảo và trong nhà không có ai mở cửa.

Đối chiếu với Luật Thi hành án Dân sự 2008 (Sửa đổi, bổ sung 2014) thì Chấp hành viên chỉ có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo quy định tại khoản 1 Điều 162, điểm a khoản 1 Điều 163 và Chương 5 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, Nghị định 67/2015/NĐ-CP, đối với trường hợp của bà Thảo.

Đây là một hành động, việc làm thường gặp trong quá trình thực hiện kê biên, cưỡng chế, để thi hành các bản án dân sự tại Việt Nam, đó cũng là những điểm vướng, chế tài không đủ mạnh để thực hiện công việc này.

Theo điều 162, Luật Thi hành án dân sự thì việc đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ 2 nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng thì được coi là hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

Việc không chấp hành sẽ bị xử phạt hành chính và chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án có quyền xử phạt.

Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động thi hành án dân sự sẽ bị phạt:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng;

b) Không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú;

c) Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án."

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;

b) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;

c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân;

d) Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan Thi hành án dân sự.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;

b) Phá hủy niêm phong tài sản đã kê biên;

c) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;

b) Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên;

c) Hủy hoại tài sản đã kê biên;

d) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;

đ) Cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án;

b) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật