Đủ kiểu "khủng bố" đòi nợ

Thứ năm, 04 Tháng 6 2020 13:43 (GMT+7)
Nhiều người khốn đốn khi rơi vào vòng xoáy nợ nần từ những cá nhân, tổ chức cho vay "siêu tốc" do liên tục bị "khủng bố" bằng mắm tôm, rắn, thậm chí ghép ảnh sex để đòi nợ
Mới đây, Công an huyện Hóc Môn (TP HCM) đã ra lệnh tạm giữ hình sự Võ Văn Lý (SN 1985, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM), Nguyễn Văn Hưng (SN 1986, ngụ TP Hà Nội) cùng 5 người khác để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản. Nhóm này đã bắt giữ, đánh đập và ép anh N.V.C (SN 1978, ngụ tỉnh Bình Dương) viết giấy nhận nợ 200 triệu đồng.
 
Mất ăn mất ngủ vì nợ
Theo trình bày của anh C. tại công an, anh có mượn của nhóm Lý 50 triệu đồng và bị nhóm này bắt giữ khi đang ăn cơm ở quận Tân Bình, TP HCM. Sau khi chở anh về một căn nhà ở huyện Hóc Môn, TP HCM, nhóm Lý đánh đập, ép anh phải ký giấy bán bộ bàn ghế gỗ và ký giấy mượn nợ 200 triệu đồng. Anh C. phải đồng ý mới được thả ra.
 
Chịu không nổi vì những lần bị tạt sơn, mắm tôm vào nhà, vợ chồng ông Nguyễn Thanh N. (SN 1966, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM) phải đến công an trình báo. Ông N. kể cuối năm 2019, một nhóm người đến nhà ông đòi tiền, nói là do con trai ông mượn nên ông phải có trách nhiệm trả nợ. Sau đó, nhà ông liên tục bị ném sơn, chất bẩn và dồn dập tin nhắn đe dọa đòi tiền. Vợ chồng ông N. không trả lời thì chúng lấy hình con gái ông gửi qua Zalo với nội dung: "Con gái chú xinh quá".
Đủ kiểu khủng bố đòi nợ - Ảnh 1.
Camera an ninh ghi lại cảnh các đối tượng tạt chất bẩn vào nhà ông N. (Ảnh cắt từ clip)
 
Ông N. bức xúc: "Vợ chồng tôi là giáo viên về hưu, không dám làm gì để mang điều tiếng vậy mà họ lại liên tục đe dọa. Lo lắng khiến vợ tôi ngã bệnh, phải đi bệnh viện. Để bảo đảm an toàn cho con gái, chúng tôi phải mướn một nhà trọ khác cho con ở. Nếu con trai tôi có vay nợ thì đòi nó, chứ vợ chồng tôi già rồi, làm gì có tiền mà trả".
 
Cũng rơi vào tâm trạng hoảng loạn như ông N., chị Nguyễn Thị T. (SN 1978, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) liên tục bị ném sơn, nhớt và chất bẩn vào nhà. Trong một thời gian dài, một nhóm người đã gọi hàng trăm cuộc điện thoại, nhắn tin với lời lẽ tục tĩu, dọa đánh... Chị T. hỏi nguyên nhân thì được trả lời chồng chị nợ 450 triệu đồng nhưng chúng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh việc vay mượn nợ. Để yên ổn làm ăn, chị T. phải đưa 120 triệu đồng nhưng nhóm người lạ vẫn dùng nhiều chiêu độc khiến gia đình chị phải chuyển đi nơi khác kinh doanh.
Người vay phải cảnh giác
Theo khuyến cáo của Công an TP HCM, có rất nhiều nạn nhân ngấm đòn đòi nợ khi vướng vào xoáy nợ nần "siêu tốc". Hiện nay việc vay tiền qua các ứng dụng trên mạng xã hội dễ dàng và việc đòi nợ cũng đủ kiểu. Sau khi tải ứng dụng vay tiền, chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân, nhập số điện thoại, tài khoản, người vay đã có thể nhận tiền. Nhiều người nhắm mắt vay mượn, sau đó phải đáo hạn bằng cách vay của app này trả cho app kia, có khi mượn 1 triệu nhưng số tiền phải trả liên tục lên đến hàng chục triệu đồng. Khi không còn khả năng chi trả, người vay bị tấn công đủ kiểu, kể cả bị ghép ảnh sex bêu xấu trên mạng xã hội.
 
"Các cơ quan tố tụng liên tục khám phá, bắt giữ nhiều đối tượng trong các đường dây cho vay nặng lãi. Trong số đó có cả những ông chủ nước ngoài đứng ra thuê người Việt Nam làm quảng cáo, thẩm định hồ sơ và thu hồi nợ. Thực tế khi vay mượn nợ theo kiểu giải ngân thần tốc, không có tài sản thế chấp thì phải xác định là sẽ trả lãi suất cao, bị đe dọa và gây phiền phức cho người thân, bạn bè, kể cả cơ quan nơi người vay tiền làm việc" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM, cảnh báo.
 
Nhiều người suy nghĩ chỉ cần tắt điện thoại, sử dụng sim khác là có thể thoát được sự "tấn công" của chủ nợ. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ khẳng định: "Khi tải ứng dụng vay tiền, chấp nhận vay và đồng ý với hợp đồng điện tử, người vay đã bị chủ nợ kiểm soát nơi ở, làm việc. Thỏa thuận vay qua ứng dụng có điều khoản bên cho vay được quyền truy cập danh bạ điện thoại, các ứng dụng mạng xã hội mà người vay đang sử dụng. Khi không trả tiền, người cho vay sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được để thực hiện những biện pháp làm cho người vay xấu hổ mà trả nợ bằng mọi cách".
 
Nói về các nhóm đòi nợ thuê, thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP HCM, cho biết 99% các công ty thu hồi nợ sau khi được cấp phép thì không hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Công an TP HCM đã kiến nghị các cơ quanchức năng cần hoàn thiện hơn nữa trong việc cấp phép hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê.
 
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) chia sẻ: "Hình thức cho vay qua mạng nở rộ với hàng chục ngàn người sử dụng các dịch vụ này. Đây là thách thức, đòi hỏi những nhà làm luật, các cơ quan chức năng nghiên cứu để hoàn thiện tính pháp lý bảo vệ người dân cũng như quản lý tốt dịch vụ cho vay. Việc cho vay với lãi suất cắt cổ, nhắn tin đe dọa, ghép ảnh nhạy cảm đưa lên mạng xã hội đòi nợ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Về phía người dân cần tỉnh táo trước khi quyết định vay tiền qua mạng". 
 
Làm gì khi bị tấn công?
Theo thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), khi bị dọa giết, đe dọa tinh thần, tạt chất bẩn…, cần tìm hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu bởi nhiều trường hợp sau khi vay nợ đã rời khỏi địa phương khiến gia đình họ phải gánh chịu. Nạn nhân cần trình báo công an, cung cấp các chứng cứ, tài liệu, camera để được pháp luật bảo vệ.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Pháp Luật