Trong đơn khởi kiện gửi TAND TX Bình Minh, bà H.T.V. trình bày: bà có phần đất bị vây bọc bởi đất của các chủ khác, không có lối ra đường công cộng nên phải đi ngang đất của bà N.T.K.H. (ở cùng xóm). Lối đi này đã có từ thời ông bà của bà nhưng ngày 3/7/2017, chồng bà H. cho xe cuốc hết con đường để lên liếp trồng hoa màu.
Bà có yêu cầu chừa lại 0,5m làm lối đi vào nhà nhưng không được gia đình bà H. đồng ý. Do đó, bà gửi đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà H. mở lối đi ngang 2m cho gia đình bà ra đường công cộng.
Tại biên bản hòa giải ngày 16/11/2017, vợ chồng bà H. không đồng ý yêu cầu trên và cho rằng trước đây, khi bà V. mua đất vào năm 1992 thì phần đất này đã có lối đi khác và hiện bà V. vẫn còn lối đi giáp ranh với đất của ông H.S.G. Hiện ông G. đang kêu bán đất nhưng bà V. không chịu mua, trong khi gia đình bà thì không có nhu cầu bán đất cho bà V. mở lối đi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà V. rút một phần yêu cầu khởi kiện chỉ đề nghị gia đình bà H. mở lối đi ngang 1m và đồng ý đền bù theo giá thị trường.
Qua xem xét hồ sơ vụ án, ngày 20/11/2019, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã tuyên án sơ thẩm buộc gia đình bà H. dành 80,3m đất cho bà V. mở lối đi; bà V. có nghĩa vụ đền bù cho gia đình bà H. hơn 32,1 triệu đồng.
Không đồng tình với phán quyết trên, gia đình bà H. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định: bà V. cho rằng phần đất của bà không giáp với đường công cộng nên phải đi ngang đất của các chủ giáp ranh khác.
Tuy nhiên, kết quả thẩm định vào ngày 5/3/2020 đã thể hiện từ đất của bà V. ra đường công cộng có thể đi ngang đất của các chủ giáp cận như sau: qua đất của gia đình bà H. dài 80,3m; đất của bà H.N.A. (em chú bác ruột với bà V. và chị em không có mâu thuẫn) dài tương đương với lối đi qua đất bà H.; đất của bà N.T.C. dài khoảng 60m; đất của bà H. dài khoảng 20m rồi tới đất của bà H.T.N. (chị ruột bà V.) ra đường công cộng. Bà N. đồng ý cho bà V. đi vĩnh viễn và không yêu cầu đền bù thiệt hại.
Tại biên bản làm việc, bà N.T.C. cho biết: Trước đây, bà V. có đi nhờ trên đất của bà để ra đường đan công cộng. Từ khi Nhà nước mở thêm đường phía sau, bà V. chuyển sang đi qua đất của gia đình bà H. để ra đường mới.
Nay bà vẫn đồng ý cho bà V. tiếp tục đi ngang đất của bà để ra đường công cộng, vì tình làng nghĩa xóm bà không yêu cầu bà V. bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 254 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi”.
Do đó, HĐXX xét thấy lối đi qua đất của gia đình bà H. không phải là lối đi duy nhất để bà V. ra đường công cộng.
Hiện tại bà V. vẫn có thể đi ngang qua đất của bà C. như trước đây, lối đi này thuận tiện và hợp lý nhất vì chiều dài chỉ khoảng 60m, ngắn hơn so với lối đi mà cấp sơ thẩm đã tuyên và bà C. cũng tự nguyện cho đi mà không yêu cầu đền bù thiệt hại.
Ngoài ra, theo chính quyền địa phương nơi gia đình bà H. và bà V. sinh sống thì vào ngày 9/9/2017, gia đình bà H. có thuê nhân công đến đào đất lên liếp trồng hoa màu thì phía gia đình bà V. gồm 4 người cầm hung khí đến ngăn cản, đe dọa, yêu cầu chừa lối đi dẫn đến xô xát và gia đình bà V. đã đánh con bà H. gây thương tích.
Sau đó, phía bà V. đã bị phạt hành chính nên mối quan hệ giữa 2 gia đình trở nên căng thẳng.
Nếu chấp nhận cho bà V. đi ngang đất của gia đình bà H. thì trong quá trình sử dụng lối đi sẽ dẫn đến mâu thuẫn trầm trọng hơn nên cấp sơ thẩm buộc gia đình bà H. dành cho bà V. lối đi ra đường công cộng là không phù hợp pháp luật.
Do đó, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V. về việc đòi gia đình bà H. mở lối đi ngang 1m ra đường công cộng.
DIỄM PHƯỢNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)