Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, kết hợp lao động và trị liệu.
Điệp khúc “cai- nghiện”
Ngày nay, trong khi tội phạm ma túy và quy mô các vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy ngày càng lớn, hình thức tinh vi, phức tạp thì tác hại của nó đối với người nghiện cũng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các loại ma túy tổng hợp có chứa nhiều chất gây nghiện nguy hiểm, khiến người sử dụng bị hoang tưởng, có xu hướng lo sợ, làm theo ảo giác bạo lực, dẫn đến hành vi hung hăng gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây cho thấy, số ít người sử dụng ma túy như một cách để giải tỏa áp lực, trốn tránh thực tại, số đông còn lại bị bạn bè rủ rê lôi kéo, ham vui, muốn thử thách, chứng tỏ bản thân.
Với “thâm niên” gần 40 năm nghiện ma túy, ông N.T.H. (ngụ Long Hồ) là một trong số ít những học viên gần tuổi “lục tuần” phải chấp hành việc cai nghiện theo hình thức bắt buộc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội).
“57 tuổi rồi, nghiện ma túy từ năm 1982, đi cai lần này nữa là lần thứ 4”- ông H. dè dặt kể về khoảng thời gian hơn nửa cuộc đời vướng vào ma túy.
Dù vậy, ông H. vẫn thật tình chia sẻ: “Ban đầu, trong túi rủng rỉnh tiền bạc, bạn bè rủ rê la cà quán xá, nhậu nhẹt. Ngà ngà say thì nổi hứng, anh em hùn tiền mua “hàng đen” (thuốc phiện) chơi. Hết lần này đến lần khác, vậy là ghiền không hay”.
Đến khi cưới vợ, sinh con, tưởng có người kìm kẹp, khuyên răn nhưng mỗi khi gia đình lục đục, ông H. lại tìm đến ma túy, xem đó như “liều thuốc” giải tỏa căng thẳng.
40 năm qua, nhiều lần cai xong lại tái nghiện, ông H. thừa nhận: “Sau mỗi lần cai nghiện xong được về nhà, thấy đám bạn bè chơi (ma túy- PV) lại thèm. Dù cố gắng không nghĩ tới hoặc tìm việc làm bận rộn cho quên mà không được, vậy là lao vào chơi tiếp, không thể nào bỏ dứt được”.
Thuốc phiện “hết thời”, ông H. và bạn bè chuyển sang heroin. Theo ông, đã là ma túy thì một khi đã dính vào thì tiền bạc không biết bao nhiêu cho đủ. Bởi chơi ma túy thì phải tăng liều mới “đủ đô, đủ phê”, có khi mỗi ngày tốn vài triệu là... chuyện như chơi.
“Tài sản trong nhà không đủ bán để mua ma túy thì sinh ra trộm cướp. Nhiều anh em đang cai nghiện cũng từng mang tiền án, tiền sự là vì vậy”- ông H. nêu thực tế.
Mấy năm nay, vợ con ra nước ngoài định cư, ở một mình buồn, ông H. cho thuê căn nhà trong nội ô TP Vĩnh Long rồi dọn về Long Hồ sống nương tựa người thân.
“Tiền thuê nhà mỗi tháng mấy triệu “nướng” hết vào ma túy, không đủ thì xin tiền mấy đứa em. Già rồi, biết vậy là có lỗi với gia đình, tạo nên tiếng xấu ảnh hưởng không tốt cho con cháu, xấu hổ lắm nhưng thiệt tình là chưa bỏ được”- ông H. nói thêm.
Mặc dù luôn ý thức vướng vào ma túy là đánh mất tương lai, sự nghiệp nhưng không ít người cho rằng, một phần nguyên nhân khiến họ tái nghiện là sự kỳ thị, xa lánh của người thân, hàng xóm.
“Mỗi lần cai nghiện xong trở về với gia đình, cũng muốn hòa nhập lối xóm lắm nhưng thấy ánh mắt người ta nhìn mình không được thiện cảm, vừa nghi ngờ, dò xét gì đó, tôi thấy mình lạc lõng, cảm giác không còn nơi nương tựa”- anh V.V.H.T. (38 tuổi, TP Vĩnh Long) chia sẻ.
Cũng như ông H., anh T. cũng đã 4 lần cai nghiện ma túy... thất bại. “Càng chơi ma túy càng tăng liều, từ vài trăm ngàn lúc mới nghiện, giờ mỗi ngày phải 1- 2 triệu mới “đủ đô”.
Bao nhiêu tài sản giá trị trong nhà tôi lén lút đem bán hết, vậy nên gia đình không quan tâm, hàng xóm xa lánh, tôi mặc cảm nên càng lún sâu vào ma túy”- anh T. thừa nhận.
Chiến thắng bản thân, làm lại cuộc đời
Nhiều chuyên gia đã đưa ra các nguyên nhân chứng minh cho tỷ lệ tái nghiện ma túy, trong đó, 2 yếu tố quan trọng nhất đó là công tác quản lý người sau cai ở các địa phương chưa thực sự được quan tâm và đặc biệt quan trọng chính là quyết tâm, ý chí của người nghiện chưa cao.
Thực tế, rất nhiều người cai nghiện thành công khi trở về cộng đồng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của địa phương, nhất là việc động viên tâm lý, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm. Trong khi phần lớn người nghiện đều có tâm lý mặc cảm và sự kỳ thị của cộng đồng đã vô tình đẩy họ vào tâm lý chán nản, bi quan, tự ti.
Một số địa phương có thành lập được mô hình tư vấn, hỗ trợ hoặc giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng nhưng chưa thực sự chủ động quan tâm, tạo điều kiện để họ “đoạn tuyệt” ma túy, dẫn đến tái nghiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tạo tâm lý bất an trong nhân dân.
Anh T.H.C. (Phường 1- TP Vĩnh Long) được các cán bộ ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long xem là “người đặc biệt” như một điển hình về ý chí, bản lĩnh trong suốt quá trình cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng, một chặng đường ngót ngét hơn 15 năm trời.
Đó là quãng thời gian anh C. đã đánh mất bản thân, niềm tin của người thân và gia đình, đã có những lúc anh thấy mình chìm sâu xuống tận cùng của nỗi đau khổ, nhục nhã ê chề. Một đứa con trai duy nhất trong gia đình có đầy đủ điều kiện, vậy mà có lúc tưởng chừng cuộc đời mình đã bỏ đi.
Anh đã từng đi cai nghiện “nhẵn mặt” ở khắp các cơ sở từ TP Hồ Chí Minh cho đến các tỉnh ở đồng bằng, nhưng cai xong rồi lại “ngựa quen đường cũ”.
Anh C. chân tình bộc bạch về quãng đường đã qua và tự rút ra bài học đắt giá rằng: “Dù hoàn cảnh ra sao, thì gia đình cũng là nơi để quay về trong vòng tay yêu thương và sự tha thứ. Nhưng hơn hết, bản thân mỗi người phải nhận ra khuyết điểm, tự sửa chữa và quyết tâm làm lại cuộc đời”.
“Mỗi lần tái nghiện, biết mình sắp không kiểm soát được bản thân, tôi lại gom đồ đạc, tự chạy xe đến các trung tâm xin đăng ký cai nghiện tự nguyện. Nhờ thầy cô, anh chị giúp đỡ, chỉ bảo như người thân trong gia đình nên tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần.
Đó cũng là khoảng thời gian suy nghĩ nhiều hơn về bản thân và gia đình, về những sai lầm để không vấp phải”- anh C. chia sẻ thêm.
Đến nay đã hơn 5 năm “rời xa” ma túy, anh C. tập trung vào việc kinh doanh quán cà phê và trao đổi, mua bán đồ cổ.
Mặt bằng kinh doanh quán cà phê cũng là không gian trưng bày với đủ loại đồ cổ như tấm hoành phi, liễn, câu đối hay đơn giản là những vật dụng quen thuộc trong ký ức tuổi thơ như ấm nước, bức tranh, chén bát bằng gốm sứ, chiếc lư hương, cái hộp quẹt, cặp chân đèn,…
Có những món đồ trị giá gần bạc tỷ, mà theo anh chỉ có đủ bản lĩnh rời xa “cái chết trắng” anh mới có thể tạo dựng lại niềm tin, xây dựng lại con đường tương lai cho chính bản thân và gia đình nhỏ của mình.
Thỉnh thoảng, anh nhắc về người cha như người “bạn tri âm” đã luôn cận kề sát cánh bên anh với niềm mong mỏi “vực dậy” đứa con trai duy nhất và cũng biết bao lần niềm tin của người cha sụp đổ.
“Đó cũng là nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời tôi, khi giờ đây tôi đã có thể đứng dậy thì cha tôi đã không còn nữa, ông không thể nhìn thấy sự thành công của con trai mình. Hẳn là ông khó có thể an lòng trước lúc ra đi”- đôi mắt anh C. như chùng xuống, u ẩn nỗi niềm khi nhắc về cha mình.
Đối với người nghiện ma túy thì việc phòng chống tái nghiện là hướng đến mục tiêu kéo dài thời gian ngưng không sử dụng ma túy càng lâu càng tốt.
Theo đó, thời gian 5 năm như anh C. được xem là khoảng thời gian cai nghiện an toàn. Anh C. cũng là một trong số nhiều người chúng tôi được tiếp xúc, đã cai nghiện thành công, xây dựng hạnh phúc gia đình, làm ăn kinh tế thành đạt.
Đó là những mảnh đời lầm lạc đã trở về hòa nhập với cộng đồng, những câu chuyện tri ân, những tình cảm sâu nặng họ dành cho Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, mà họ xem như nơi đã sinh ra họ lần thứ hai.
Bài, ảnh: QUANG THỊNH - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)