Ngày 24-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm các bị cáo có kháng cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội).
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trước bục khai báo -
Theo đó, các bị cáo có kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm này gồm Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, nguyên trưởng phòng Tài chính CDC Hà Nội; Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên trưởng phòng Tổ chức CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty MST; Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và bán đấu giá Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội. Tất cả các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà, kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, gây thiệt hại 5,4 tỉ đồng. Mức hình phạt 10 năm tù tòa án cấp sơ thẩm tuyên cho bị cáo rất tương xứng, đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Đây cũng là mức án thấp nhất của khung hình phạt.
Nhóm nhân viên của CDC Hà Nội gồm Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh bị viện kiểm sát đánh giá đã gian lận, hợp thức hồ sơ để chỉ định thầu cho Công ty MST trái quy định, gây thiệt hại 5,4 tỉ đồng.
Các bị cáo này đều thành khẩn khai báo, được CDC Hà Nội đề nghị xem xét giảm nhẹ; cả 3 cùng là cấp dưới, làm công hưởng lương, không vụ lợi… Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên dưới rất nhiều so với khung hình phạt của pháp luật, không có căn cứ giảm nhẹ thêm.
Từ những phân tích trên, đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của 6 bị cáo cũng như đề nghị của CDC Hà Nội.
Trước đó, cùng ngày 24-6, trong phần xét hỏi, ông Cảm thừa nhận sai phạm trong việc bàn bạc, thỏa thuận với các bị cáo khác để chỉ định thầu, nâng khống giá thiết bị y tế. Tuy nhiên, người này cho rằng bản thân không cố tình phạm tội.
Bị cáo trình bày trước khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, CDC Hà Nội không đủ thiết bị, điều kiện để xét nghiệm sàng lọc dịch. Sau khi được giao xây dựng kế hoạch chống dịch, cơ quan này đã chọn hình thức chỉ định thầu vì CDC Hà Nội cho rằng việc mua sắm thiết bị xét nghiệm là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện trong thời gian ngắn.
Ông Cảm thừa nhận chưa có kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thị trường máy xét nghiệm Realtime PCR tự động nên thông qua một số người, bị cáo biết đến các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông. Trong quá trình liên hệ với các bị cáo là chủ doanh nghiệp, bị cáo Cảm cùng cấp dưới đã hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho các đơn vị tư nhân để cung cấp máy xét nghiệm.
"Do sốt ruột nên bị cáo và cán bộ CDC Hà Nội tập trung công tác phòng chống dịch, không tính đến các rủi ro khác"- ông Cảm khai và phủ nhận thỏa thuận với bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông) để được ăn chia 15% giá trị hợp đồng như cấp sơ thẩm quy kết.
Nguyên giám đốc CDC Hà Nội cho rằng bị cáo không tư lợi, không cố ý phạm tội nên mong tòa phúc thẩm xem xét bối cảnh khi xảy ra vụ án, đánh giá tính khách quan để xem xét chấp nhận kháng cáo. "Bị cáo mong muốn được tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân" - ông Cảm nói.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)