Thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023

Thứ bảy, 07 Tháng 1 2023 14:22 (GMT+7)
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ và toàn ngành giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định những vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở
 
Triển khai kế hoạch thanh tra năm 2023 theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
 
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với ngành thanh tra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) diễn ra ngày 6-1.
 
Trong bối cảnh năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức hơn, Phó Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực, toàn diện hơn.
 
Thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
 
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TTCP triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7-2023. Trong đó, khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định, quy định hướng dẫn chi tiết Luật Thanh tra trong tháng 5-2023, bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm luật có hiệu lực.
 
Phó Thủ tướng cho rằng TTCP và toàn ngành cần lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng những khâu, những lĩnh vực để xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
 
"Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra"- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu.
 
Trong năm 2023, TTCP cần chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, không để phát sinh "điểm nóng"; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Bên cạnh đó, giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện lên trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của TTCP.
 
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu toàn ngành thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
 
Trong đó, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.
 
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.
 
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh cần củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra các cấp.
 
"Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm. Xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động cán bộ, chủ động tìm kiếm, bổ sung cán bộ có năng lực, kinh nghiệm công tác"- Phó Thủ tướng yêu cầu.
 
Theo báo cáo của TTCP, trong năm 2022, hoạt động thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Cụ thể, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 85.998 tỉ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 26.654 tỉ đồng và 574 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 441 vụ việc, 295 đối tượng.
 
TTCP và toàn ngành đã hoàn thành cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý kịp thời, đúng pháp luật và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo thẩm quyền nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thu hồi tiền và tài sản cho nhà nước.
 
Ngành thanh tra cũng đã quan tâm thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao đạo đức công vụ cán bộ thanh tra. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thu hồi tiền, tài sản đạt cao hơn năm trước.
 
Đồng thời đã tham mưu giúp Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật