Đại tướng Tô Lâm: Đã khởi tố 92 bị can trong vụ tấn công trụ sở ở Đắk Lắk

Thứ năm, 19 Tháng 10 2023 18:15 (GMT+7)
Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết đến nay cơ quan chức năng đã khởi tố 92 bị can với nhiều hành vi khác nhau liên quan đến vụ khủng bố, tấn công trụ sở xã tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk
 
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
 
Đại tướng Tô Lâm: Đã khởi tố 92 bị can trong vụ tấn công trụ sở ở Đắk Lắk - Ảnh 1.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trong một lần phát biểu tại Quốc hội
 
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tội phạm được kiềm chế, không để phát sinh những phức tạp lớn, trật tự an toàn xã hội từng bước có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
 
Đối với công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật, Đại tướng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn đối với các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 92 bị can về nhiều hành vi liên quan đến vụ khủng bố, tấn công trụ sở xã tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk và tổ chức rút kinh nghiệm không để xảy ra các vụ việc tương tự.
 
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, có dấu ấn lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe. Trong đó, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực đã được phát hiện, điều tra xử lý nghiêm với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.
 
Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Điển hình là vụ Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Công ty AIC...
 
Số liệu cho thấy từ ngày 1-10-2022 đến ngày 30-9-2023, đã phát hiện 5.715 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 11,69%), 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 51,63%) so với cùng kỳ năm trước. Số vụ nhận hối lộ cũng tăng rất cao so với năm 2022.
 
Chính phủ nhận định tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu "còn diễn ra phức tạp". Nổi lên là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe; khai thác tài nguyên, khoáng sản gây bức xúc dư luận.
 
Vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước cũng nổi lên.
 
Cạnh đó là vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng. Tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật