Năm 2024, tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực

Thứ bảy, 30 Tháng 12 2023 09:06 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
 
Khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
 
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại hội nghị tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 29-12, tại Hà Nội.
 
Năm 2024, tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài.
 
Theo Phó Thủ tướng, ngành thanh tra trong năm 2024 cần đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
 
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là chất lượng, tiến độ các kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra. Tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
 
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao TTCP triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Trong đó, phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh "điểm nóng", nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện vượt cấp lên trung ương.
 
"Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật"- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo.
 
Triển khai hơn 7.600 cuộc thanh tra 
Báo cáo kết quả công tác năm 2023 tại hội nghị, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn cho biết toàn ngành đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.744 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
 
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 257,7 ngàn tỉ đồng, 616 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 6,4 ngàn tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.
 
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong kỳ báo cáo có 42 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 42 người.
 
Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 114 vụ việc, 176 người; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người; qua giải quyết KNTC phát hiện 38 vụ, 44 người liên quan đến tham nhũng.
 
Bên cạnh những ưu điểm, theo Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như trong công tác thanh tra còn có hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.
 
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ theo quy định; công tác phân loại, xử lý đơn ở một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp cơ sở còn có sai sót.
 
 

Bài viết mới nhất của Pháp Luật