Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola diễn biến phức tạp tại Cộng hòa dân chủ Công Gô (gọi tắt là Công Gô), theo đánh giá của bộ Y tế, hiện tại, nguy cơ dịch Ebola lây lan vào nước ta là thấp, tuy nhiên không loại trừ việc ghi nhận trường hợp bệnh Ebola về từ vùng có dịch tại Việt Nam.
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập vào nước ta, bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai giám sát tại cửa khẩu và tại các bệnh viện nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, đặc biệt là những người có tiền sử về từ vùng có dịch; các bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng khu vực cách ly thu dung, điều trị ngay cả khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Ebola tại Việt Nam; rà soát lại kế hoạch hành động và các hướng dẫn chuyên môn về phòng chống, đáp ứng với dịch bệnh do vi rút Ebola; thường xuyên cập nhật và chia sẻ tình hình dịch bệnh Ebola tại Công Gô và tại các nước trên thế giới; Phối hợp với các đơn vị truyền thông và các Bộ, ban, ngành liên quan để đưa tin về tình hình dịch bệnh.
Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 90%). Bệnh lây từ động vật hoặc người nhiễm bệnh sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh; chế biến hoặc ăn thịt thú rừng bị nhiễm bệnh. Người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người, động vật nhiễm vi rút Ebola, người tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola, người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút Ebola là người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm vi rút gồm:
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola.
- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm vi rút Ebola trong rừng.
- Cán bộ y tế.
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola
- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.
- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.
- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.
- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Chính vì thế, nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do vi rút Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của vi rút, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Với các bệnh dịch khác, theo thông tin từ WHO, từ đầu năm 2018 đến nay tại Trung Quốc vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A (H7N9) trên người (03 trường hợp), và tại các quốc gia Trung Đông tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút MER-CoV (02 trường hợp). Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, các trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục ghi nhận tại nhiều nước trong khu vực, tuy nhiên số trường hợp mắc tại các quốc gia đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2018 đến nay số trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ổn định, không có ổ dịch bùng phát trong cộng đồng. Trong các tháng đầu năm 2018, cũng không ghi nhận ổ dịch Cúm trên gia cầm và không ghi nhận trường hợp nghi mắc cúm gia cầm trên người.
Để ngăn chủ động phát hiện và ngăn chặn việc bùng phát dịch bệnh, trong thời gian tới bộ Y tế tiếp tục duy trì và triển khai các biện pháp phòng chống, cụ thể như sau:
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để kịp thời thông báo, chỉ đạo kịp thời tới các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- Tăng cường giám sát bệnh chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, xử lý ổ dịch triệt để; sẵn sàng đáp ứng với các tình huống về dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan không để bệnh dịch bùng phát, lan rộng, đặc biệt đối với dịch bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9)... và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, sốt rét, dại, liên cầu lợn ...).
- Duy trì hoạt động của Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với các tình huống dịch bệnh của bộ Y tế, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ và chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế công cộng.
- Liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế của các nước kịp thời chia sẻ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9), Ebola, MER-CoV và các bệnh dịch nguy hiểm khác.
- Thường xuyên cung cấp thông tin truyền thông, khuyến cáo cộng đồng phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cung cấp thông tin cho báo chí để phối hợp tăng cường truyền thông cho cộng đồng chủ động phòng bệnh.