Khiếm thính bẩm sinh và phương pháp cấy ốc tai điện tử

Thứ ba, 26 Tháng 6 2018 09:29 (GMT+7)
Hội thảo Khiếm thính và phương pháp cấy ốc tai điện tử, do Bệnh viện (BV)Tai mũi họng TP Cần Thơ tổ chức mới đây với diễn giả chính là Giáo sư – bác sĩ Manoj ManiKoth, đã giải đáp nhiều băn khoăn của những gia đình có con em bị khiếm thính về phương pháp giúp trẻ kết nối âm thanh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nguyên tắc vàng 1:3:6

Các phụ huynh có con em bị khiếm thính bẩm sinh thường thắc mắc về các vấn đề: độ tuổi phù hợp để cấy ốc tai điện tử cho trẻ; tỷ lệ thành công của phương pháp này; nếu cấy ốc tai cho trẻ từ lúc nhỏ, thiết bị còn phù hợp khi trẻ phát triển về thể chất; cấy ốc tai có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tuổi thọ; chi phí phẫu thuật cấy ốc tai điện tử...

Ê kíp phẫu thuật BV Tai mũi họng TP Cần Thơ với sự hỗ trợ của chuyên gia thính học thế giới, thực hiện cấy ốc tai cho bệnh nhi. 

Theo Giáo sư – bác sĩ Manoj, trẻ khiếm thính bẩm sinh được sàng lọc phát hiện bệnh, can thiệp điều trị càng sớm càng tốt, giúp trẻ phát triển như bình thường, hòa nhập cộng đồng. Hiện nay trên thế giới, phương pháp cấy ốc tai điện tử được xem là phương pháp tối ưu để cải thiện thính lực cho trẻ khiếm thính và dự đoán trong vòng 15 – 20 năm nữa, sẽ chưa có phương pháp nào thay thế. Thực tế từ hầu hết các ca phẫu thuật cho thấy, hôm trước trẻ được cấy ốc tai điện tử, hôm sau đã có thể chạy chơi vui đùa. Việc cấy ốc tai hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tuổi thọ; nếu cấy ốc tai lúc trẻ còn nhỏ, thì khi trẻ lớn lên vẫn còn tác  dụng, vì ốc tai không thay đổi dù cơ thể con người phát triển theo thời gian. Chi phí phẫu thuật cấy ốc tai từ 200 - 300 triệu đồng/ca. Chi phí cao là yếu tố hạn chế trẻ khiếm thính được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật này.

Không phải cấy ốc tai điện tử sẽ giúp mọi trẻ chữa lành bệnh khiếm thính hoàn toàn mà mang ý nghĩa cải thiện thính lực cho trẻ. Hiệu quả của việc cấy ốc tai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: độ tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ, điều kiện kinh tế của gia đình bệnh nhi... Với kinh nghiệm phẫu thuật cấy ốc tai hơn 30 năm và thực hiện cấy ốc tai điện tử hơn 18 năm với trên 1.300 ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ, bác sĩ Manoj chân thành khuyên các bậc phụ huynh rằng, yếu tố cải thiện thính lực - đồng nghĩa với cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ mới là mục tiêu quan trọng nhất. Tình trạng khiếm thính bẩm sinh ở trẻ khá thường gặp, với tỷ lệ 30 trẻ bệnh/10.000 ca sinh. Mặc dù bệnh không đe dọa tính mạng của trẻ, nhưng gây nhiều áp lực cho cuộc sống của trẻ, thậm chí gây nên tình trạng trầm cảm do khó hòa nhập cộng đồng. Khoảng 80% trẻ mất thính lực không thể chữa trị do phát hiện muộn hoặc việc điều trị không kiên trì đến nơi đến chốn.

Bác sĩ khuyến cáo một số biện pháp ngăn ngừa bệnh khiếm thính ở trẻ là trong thai kỳ: thai phụ nên thực hiện chủng ngừa đầy đủ các bệnh như rubella, sởi, quai bị. Ngoài ra, bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người bị khiếm thính thì trẻ đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn cũng bị khiếm thính. Ngày nay, ở các BV sản khoa, trẻ sơ sinh thường được tầm soát thính lực bằng đo âm ốc tai trước khi mẹ con sản phụ xuất viện. Nếu có bất thường, trẻ tiếp tục được đo điện thính giác thân não, xác định tình trạng thính lực của trẻ. Nếu kết quả là trẻ mắc bệnh, sẽ được khuyến cáo mang máy trợ thính, ngay từ 6 tháng tuổi hỗ trợ trẻ khả năng nghe cũng như quá trình phát triển ngôn ngữ.

Nguyên tắc vàng 1:3:6 được áp dụng để tầm soát hiệu quả bệnh khiếm thính ở trẻ là 1 tháng tuổi thì tầm soát bệnh, 3 tháng kiểm tra, nếu xác định bị khiếm thính thì 6 tháng phải cho đeo máy và sau đó, khoảng 2 tuổi trở lên thì có thể phẫu thuật. Tuổi lý tưởng để cấy ốc tai điện tử là từ 2 đến 5 tuổi. Sau phẫu thuật cấy, các bác sĩ sẽ hiệu chỉnh âm thanh để trẻ có kết quả nghe tốt hơn. Và điều đặc biệt hơn góp phần vào hiệu quả thành công của phương pháp cấy ốc tai điện tử cho trẻ khiếm thính là sự phối hợp của các chuyên gia cũng như cha mẹ hỗ trợ quá trình trẻ học nghe – nói. Bác sĩ Manoj nhận định, trẻ có cải thiện thính lực và hòa nhập cộng đồng được hay không tùy thuộc vào tỷ lệ 20% thành công do cấy ốc tai và 80% là sự đồng hành của cha mẹ mới có kết quả tốt được.

Cầu nối âm thanh cho trẻ khiếm thính

Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, BV Tai mũi họng TP Cần Thơ mời chuyên gia thính học thế giới về phẫu thuật cho bệnh nhi khiếm thính cũng như chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực điều trị bệnh lý này cho bác sĩ chuyên khoa vùng ĐBSCL. Lần này, các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân 14 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh. Em gái này không may bị khiếm thính từ nhỏ, đeo máy trợ thính nhiều lần nhưng không liên tục. Khả năng giao tiếp của em hạn chế nhiều, em đang học ở trường khiếm thính. Qua thăm khám cũng như theo dõi quá trình đeo máy trợ thính, các chuyên gia thính học nhận thấy tình trạng hai tai bé bị điếc sâu, em dù nói ít nhưng vẫn có ngôn ngữ. Vì thế, theo nguyện vọng của gia đình, BV quyết định chọn em phẫu thuật cấy ốc tai điện tử trong đợt này.

Một bệnh nhi được phẫu thuật cấy ốc tai, cải thiện được khả năng thính lực. 

Cách nay 1 tháng, đoàn chuyên gia thính học đến từ Malaysia đã phẫu thuật cấy ốc tai cho hai bệnh nhi. Qua liên lạc cập nhật tình hình các bé sau phẫu thuật, bác sĩ CKII Hồ Lê Hoài Nhân, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tai mũi họng TP Cần Thơ cho biết, các em đều cải thiện mức nghe, cải thiện khả năng nói và đặc biệt là các em vui thích hơn khi được lắng nghe âm thanh cuộc sống. Bác sĩ Hoài Nhân cho biết thêm, từ sau chương trình đầu tiên đó, có khoảng 15 bé khiếm thính được cha mẹ đưa đến khám. Trong đó, khoảng ¼ ứng viên để cấy, từ 2 tuổi đến 7 tuổi, nhóm còn lại lớn tuổi hơn, phát triển ngôn ngữ không tốt cùng với điều kiện kinh tế gia đình chưa đủ.

Bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân lưu ý vài dấu hiệu để cha mẹ theo dõi tình trạng thính lực của trẻ. Với trẻ nhỏ thính lực bình thường có phản xạ ốc tai – mi mắt. Do đó, khi đứng cạnh trẻ, vỗ tay thì trẻ chớp mắt, ngược lại, trẻ không chớp mắt, có thể trẻ mất thính lực. Còn trẻ lớn, khi có âm thanh lớn (tiếng sấm sét) hoặc khi phụ huynh đứng sau lưng, kêu trẻ, trẻ không giật mình; trẻ nghe ti vi với âm lượng lớn hoặc trẻ thụ động, tự thu mình, tự kỷ, chậm biết nói thì cha mẹ nên nghi ngờ, đưa trẻ đi kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa về tai. 

Nguồn: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe