3 người chết vì cúm A/H1N1, TP.HCM mới cuống cuồng chống dịch?

Thứ tư, 27 Tháng 6 2018 11:05 (GMT+7)
Chỉ trong hơn 1 tháng qua, tại TP.HCM đã phát hiện 2 chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa) rất lớn được ghi nhận tại Bệnh viện Từ Dũ (28 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (12 ca). Đến nay, đã có 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Tuy nhiên, ngành y tế TP.HCM dường như còn khá bị động trong việc đề ra biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

Khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ, nơi phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1 lớn nhất từ trước đến nay. (Ảnh: IT)

Hàng chục ca nhiễm cúm A/H1N1

Mới đây nhất, ngày 26.6, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân xấu số là ông N.T.V (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân).

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông V nhập viện ngày 22.6 với những triệu chứng cúm A/H1N1 như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi… Kết quả kiểm tra cho thấy, ông V bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải cho thở máy.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ông V đã phát bệnh vài ngày trước và đã tự điều trị tại nhà nhưng bệnh tình ngày càng nặng nên được chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, sau hơn 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh của nạn nhân không được cải thiện nên được bệnh viện cho về nhà theo nguyện vọng của gia đình và ông V đã tử vong sau đó.

Cũng theo bác sĩ Hùng, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang điều trị cho 7 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tổng số 12 ca được phát hiện dương tính với cúm A/H1N1. Trong số 7 trường hợp trên, có 5 ca bệnh nặng, đặc biệt còn 3 bệnh nhân đang phải thở máy.

Trước đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng có một trường hợp tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối và nhiễm cúm A/H1N1.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 1.6, một bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt tử cung được dời phẫu thuật do sốt cao. Đến chiều cùng ngày, có 17 bệnh nhân đang nằm điều trị cùng khoa có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ. Trước biểu hiện này của các bệnh nhân, Bệnh viện Từ Dũ tiến hành phân nhóm, cách ly các bệnh nhân sốt để phòng ngừa. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới triển khai xét nghiệm PCR cúm (Polemerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi polymerase - là một kỹ thuật nhằm tạo ra một lượng lớn bản sao DNA mục tiêu trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt) cho 18 người (trong đó có 16 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế). Kết quả có 16/18 mẫu dương tính với cúm A/H1N1.

Tuy nhiên, đến chiều 3.6, tổng số ca nhiễm tại bệnh viện này đã vượt lên con số 28 ca. Trong 28 ca này, có 8 nhân viên của khoa nội soi và 20 bệnh nhân. Các bệnh nhân này được cho uống thuốc Tamiflu và được hướng dẫn cách ly, các cách phòng tránh dịch lây lan cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đến thời điểm hiện tại, ổ dịch tại bệnh viện đã được khống chế hoàn toàn.

Chưa quyết liệt triển khai phòng chống dịch?

Thực tế, ngay khi phát hiện ổ dịch A/H1N1 lớn tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ để triển khai các biện pháp hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, cấp cứu, đồng thời điều trị kịp thời cho các bệnh nhân và khống chế dịch không để lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao Sở Y tế TP.HCM phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường công tác phòng chống các loại dịch cúm A như H1N1, H7N9, H5N1 và các bệnh lây qua đường hô hấp. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính có trách nhiệm bổ sung kinh phí để Sở Y tế chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh kịp thời, có hiệu quả.

Tuy nhiên, đến ngày 8.6, Sở Y tế mới có văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện, các cơ sở y tế... về việc tăng cường điều trị và lây nhiễm cúm A/H1N1. Đặc biệt, đến hôm nay (27.6), Sở Y tế mới tổ chức buổi tập huấn tăng cường công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn TP.HCM.

Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện, công tác phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1 cũng chỉ dừng ở mức khuyến cáo và “chữa cháy” khi dịch bệnh đã xảy ra.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 1.6 đã phát hiện ra ổ dịch với 16 ca dương tính với cúm A/H1N1 và công tác khử khuẩn, xông phun, lau chùi các bề mặt tiếp xúc được tiến hành liên tục từ rạng sáng 2.6. Đồng thời, bệnh nhân, người mắc cúm và người tiếp xúc đã được di chuyển ra khỏi khu vực nhưng đến chiều 3.6, tổng số ca nhiễm tại bệnh viện này đã vượt lên con số 28 ca. Trong 28 ca này, có 8 nhân viên của Khoa Nội soi và 20 bệnh nhân.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, công tác phòng chống được chủ động tốt hơn. Cụ thể, ngay khi ổ dịch xảy ra, ban chỉ đạo và các tổ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện đã được thành lập. Đường dây nóng về dịch cúm do chính TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, phụ trách. Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức phân loại ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám tại bệnh viện. Trong quá trình khám, nếu nghi ngờ ca bệnh truyền nhiễm cúm, bệnh viện sẽ bố trí người hướng dẫn hoặc trợ giúp đưa người bệnh đến phòng cách ly (tại Khoa Cấp cứu).

Sau đó, bệnh viện sẽ mời hội chẩn Khoa Bệnh Nhiệt đới và các chuyên khoa liên quan, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, chuyển bệnh nhân theo quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm.

Nguồn: Thiên Anh - (danviet.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe