Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 28-6, một chuyên gia dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết kết quả giám sát, phân tích đối với chủng virus cúm năm 2018 không ghi nhận sự biến đổi gen và độc lực đối với chủng virus cúm A/H1N1.
Ngoài một số ca bệnh rải rác thì khu vực miền Bắc chưa ghi nhận ổ dịch cúm A/H1N1 nào, trong khi đó ở khu vực phía Nam đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong trong thời gian ngắn. Cùng đó, cũng ghi nhận những bệnh nhân nặng nhiễm cúm A/H1N1 là nhân viên y tế. Do đó, cần làm rõ những trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H1N1 có phải đang mắc một bệnh lý nào đó hoặc là nhóm đối tượng có sức đề kháng kém. Thông thường, so với các chủng cúm mùa khác (H3N2 và cúm B) thì khi nhiễm cúm A/H1N1, bệnh diễn biến thường nặng nề hơn, nhất là những người đang mắc một bệnh lý nền trước đó.
Virus cúm A/H1N1 gây bệnh cảnh nặng nề hơn so với các chủng cúm mùa khác
Ông Nguyễn Đức Khoa - Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết hiện cúm A/H1N1 chiếm 50% trong các chủng cúm mùa và một nửa số người nhiễm cúm thời điểm này là chủng cúm A/H1N1.
Theo số liệu phân tích từ các phòng xét nghiệm, chưa phát hiện sự bất thường về chủng virus cúm nên nguy cơ bùng phát dịch là không có hoặc rất thấp. Ông Khoa cũng khẳng định với những người bị mắc bệnh mãn tính, người béo phì, người có sức đề kháng kém (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai), khi nhiễm cúm sẽ làm bệnh sẵn có và bệnh mới mắc nặng thêm. Những trường hợp này có thể biến chứng viêm phổi nặng, biến chứng hô hấp, suy đa phủ tạng, nếu không được điều trị tích cực nguy cơ tử vong rất cao.
Theo Cục Y tế dự phòng, cúm A/H1N1 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây từ người sang người, giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Tỉ lệ mắc cúm A/H1N1 thường cao, dễ lây lan. Những người mắc cúm A/H1N1 có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh.
Trên thế giới, một số phân tuýp cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Trong một vài năm trở lại đây, trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3 và H5N8. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng virus cúm rất đáng quan tâm, các gen của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng virus cúm đe dọa cho sức khỏe con người.