Những ngày ra vào các bệnh viện (BV) nhi tại TP HCM, đập vào mắt chúng tôi là nhiều gương mặt hốc hác, mệt mỏi như muốn buông xuôi sau nhiều tháng chăm con nằm viện.
Khánh kiệt vì con
Tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), cảnh quá tải lúc nào cũng thường trực. Dọc các hành lang, nhiều giường bệnh "dã chiến" được bố trí cho bệnh nhi, người nhà tranh thủ nghỉ ngơi sau đêm vật vã chăm con.
Dù đã cố hết sức đến mức khánh kiệt, nhiều gia đình vẫn không cứu được con. Bé Điểu Khương (9 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) sau 2 tháng điều trị bệnh viêm não đến hôm nay bị trả về trong sự tuyệt vọng của người thân. Mẹ bé Khương, chị Đ.T.N, bị chứng câm điếc bẩm sinh, nhà lại nghèo nên không có tiền để trang trải viện phí cho con. Theo các cô hộ lý, chị N. có 2 con đều bị viêm não, tuy nhiên bé nhỏ thì điều trị khỏi, còn con lớn 9 tuổi thì không qua khỏi. Con nằm viện suốt 2 tháng liền, tiền cơm của mẹ con chị và viện phí hầu hết là từ sự giúp đỡ của những người nuôi bệnh khác. Vì con nằm ở phòng cách ly, không thể thường xuyên bên cạnh, người mẹ này cùng với đứa con nhỏ cứ loanh quanh khuôn viên BV, đặc biệt là nơi thờ tượng Quan Âm để khấn vái, cầu cho con bình an.
Cảnh bệnh nhi và thân nhân nằm ngoài hành lang tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM. )Ảnh: Mỹ Lệ
Lúc nghe tin con bị trả về, người mẹ này khóc và cứ lấy tay liên tục đấm vào ngực trái của mình. Hành động của một người dị tật trong nỗi đau tột cùng khiến ai cũng chạnh lòng. Đi gom nhặt quần áo, đồ đạc về nhà, chị đã thôi gào khóc nhưng ánh mắt vô hồn kia lại tuyệt vọng hơn bất cứ lúc nào.
Cùng cảnh ngộ nuôi con trong cảnh nghèo là vợ chồng anh Hồ Nhân Tài (39 tuổi, ngụ tỉnh An Giang). Đứa con 9 tuổi của anh nhập viện trong tình trạng sốt, co giật và được chẩn đoán là viêm não Nhật Bản. Gia đình thuộc diện khó khăn, lại đông con (7 người con) nên viện phí chỉ có thể nhờ sự giúp đỡ từ anh em và lòng hảo tâm của bà con lối xóm. Làm nghề vác gạch thuê, tiền kiếm được chỉ đủ xoay xở ngày 3 bữa cơm, nay con bệnh nên công việc vợ chồng anh gác lại. Vì không có BHYT nên hôm nay chị phải về quê để làm bảo hiểm cho con, còn anh ở lại. Ngồi ở hàng ghế chờ dành cho thân nhân, anh nóng ruột nhấp nhổm không yên, cứ thấy y tá đi ra là lại lo lắng đứng lên, sợ y tá không tìm được người thân của bệnh nhân. Hình ảnh người đàn ông với chiếc áo thun sờn cũ, râu ria lổm chổm, đôi mắt đỏ hoe, đau đáu nhìn vào phòng bệnh của con khiến lòng người cũng nhói theo.
Nhiều dịch bệnh rình rập
Những trường hợp trên chỉ là điển hình cho căn bệnh viêm não. Còn nhiều dịch bệnh khác đang vào mùa là mối nguy đối với nhiều người, đặc biệt ở trẻ em như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, hô hấp, tiêu chảy…Các bác sĩ nhận định trời mùa nắng nóng, khí hậu oi bức nên các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng đáng kể. Tại BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), số trẻ đến khám, điều trị các bệnh về hô hấp, viêm phổi, SXH… lúc nào cũng đông.
Các chuyên gia cho biết khí hậu oi bức chuyển sang mùa mưa là điều kiện để gia tăng các bệnh lý như SXH và tay chân miệng. Theo BS Võ Huỳnh Ngọc Trâm (BV Nhi Đồng 1), khi thời tiết chuyển mùa là thời điểm mà trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp, tái đi tái lại, gây khó khăn cho việc sinh hoạt và học tập của trẻ. Thời gian bệnh kéo dài cả tháng.
ThS-BS Phạm Đình Nguyên (BV Nhi Đồng 1) cũng khuyến cáo do hệ thống miễn dịch còn non yếu nên trẻ em thường dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn người lớn. Hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em thường do virus. Việc phân biệt được trẻ đang bị nhiễm vi khuẩn hay virus là một chuyện hoàn toàn không đơn giản. Chính vì thế, nhiều người thường có khuynh hướng dùng kháng sinh khi trẻ mắc bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn làm gia tăng khả năng tạo vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, phân tích bệnh SXH, tay chân miệng trong những tháng gần đây có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng trong tuần cuối của tháng 6, tại TP đã ghi nhận gần 179 ca mắc SXH, nâng tổng số người mắc bệnh này tại TP từ đầu năm đến nay là gần 5.000. Trong tháng 4, số ca SXH là 557 nhưng đến tháng 5 lên đến 666 ca; riêng bệnh tay chân miệng ở tháng 4 là 264 ca, đến tháng 5 là 353 ca.
GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong số 30 quốc gia có mật độ lưu hành SXH cao nhất thế giới, hơn 50% số ca bệnh SXH nhập viện của Việt Nam thuộc các địa phương miền Nam.
"Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong TP phải tự chịu trách nhiệm về nơi mình sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà. Mỗi tuần dành 10-15 phút để tìm và diệt các ổ lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh SXH" - ông Bỉnh nhấn mạnh.
Ám ảnh quá tải
Một số dịch bệnh khác như sởi, ho gà, Zika... cũng đã xuất hiện. Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 1 ca mắc Zika, 3 ca mắc sởi và 13 ca mắc ho gà. Điều đáng nói là số ca mắc sởi và ho gà tăng cao so với cùng kỳ; trong đó, sởi tăng 3 ca, ho gà tăng 3 ca. Năm 2017, TP ghi nhận đợt dịch SXH lịch sử với số ca mắc cao nhất nước với gần 11.000 ca, 6 trường hợp tử vong, nhiều BV quá tải khi lượng bệnh nhân nhập viện tăng.