Bệnh nhân được kiểm tra huyết áp tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ. Ảnh: KIM NHIÊN
Khống chế cân nặng, tránh béo phì
Bác sĩ Lê Tân Tố Anh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp là do béo phì. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: Tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường; tăng nguy cơ đột quỵ lên 6 lần; tăng huyết áp 12 lần; đái tháo đường đường tăng 6 lần… Khống chế cân nặng sẽ giúp người bệnh tăng huyết áp cải thiện các triệu chứng lâm sàng như mỏi mệt, hít thở khó khăn. Vì vậy, khống chế hấp thu năng lượng, đảm bảo cân nặng trong phạm vi bình thường, rất quan trọng đối với việc phòng và trị tăng huyết áp”.
Béo phì là yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Người bệnh tăng huyết áp có chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể, giữ cân nặng lý tưởng, cải thiện sức khỏe, nhất là ở những người cao tuổi.
Những lưu ý trong chế độ ăn
|
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân tăng huyết áp thực hiện các nguyên tắc chính của chế độ ăn “3 giảm” (giảm lượng muối ăn vào; giảm chất béo nhất là chất béo từ động vật; giảm uống rượu bia); “3 tăng” (tăng sử dụng thực phẩm giàu canxi; giàu kali và giàu các chất bảo vệ như các loại rau xanh, khoai củ, đậu đỗ và trái cây). Xây dựng lối sống “1 tăng, 1 giảm và 1 bỏ” (tăng vận động, giảm căng thẳng và bỏ thuốc lá) sẽ giúp người bệnh chung sống lâu dài với cao huyếp áp. |
Theo bác sĩ Lê Tân Tố Anh, bệnh nhân tăng huyết áp cần có chế độ ăn uống phù hợp: giảm đường, giảm muối và chất béo; hạn chế ăn mặn. Mỗi ngày, lượng hấp thu muối ăn của người bệnh tăng huyết áp nên dưới 3g (hoặc dưới 5ml nước tương, nước mắm). Trong bữa ăn hằng ngày, không nên dùng quá nhiều thực phẩm chứa nhiều muối. Không nên ăn nhiều mỡ động vật và các thức ăn có nhiều cholesterol, nên thay bằng các loại dầu thực vật chứa nhiều acid béo chưa bão hòa.
Một số người bệnh tăng huyết áp vẫn thường mắc sai lầm trong cách ăn uống. Ví dụ, giảm mặn bằng cách thêm nước vào món canh hoặc món mặn. Như vậy là chưa đúng. Giảm ăn mặn là giảm lượng muối đưa vào cơ thể chứ không phải giảm khẩu vị mặn, do đó cần giảm lượng gia vị mặn nêm vào món ăn. Một sai lầm phổ biến nữa là cho rằng muối chỉ có nhiều trong các gia vị: muối, nước mắm, nước tương hoặc thực phẩm: mắm, dưa muối... mà bỏ quên các thực phẩm chế biến sẵn. Thực tế, trong các loại thực phẩm chế biến sẵn: thịt hộp, thịt muối, thịt xông khói, heo quay, lạp xưởng, xúc xích, cá mòi đóng hộp... cũng chứa hàm lượng muối cao. Tốt nhất là hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên thay bằng thực phẩm tươi sống.
Bên cạnh đó, người bệnh nên tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi, uống sinh tố trái cây để cung cấp đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng loại bỏ những chất béo dư thừa ra ngoài cơ thể theo đường tiêu hóa, giúp phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Các thực phẩm: rau diếp, rau cải xoăn, cải bó xôi, chuối chín, khoai tây… chứa hàm lượng kali cao giúp trung hòa và đào thải natri ra khỏi cơ thể, từ đó có tác dụng hạ huyết áp. Có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước, hay làm sinh tố các loại quả tốt chứa nhiều vitamin A và C: cam, quýt, bưởi, bơ, đu đủ…; uống sữa mỗi ngày, cần lựa chọn sữa có chứa MUFA, PUFA, choline, canxi, để tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch, phòng tránh loãng xương cho người già; có thể sử dụng sữa bột, bột sữa ngũ cốc, sữa đậu nành…
Người bệnh cũng đừng quên bổ sung nước hằng ngày cho cơ thể để thanh lọc và đào thải các chất cặn bã ra ngoài một cách tốt nhất. Mỗi ngày nên cung cấp ít nhất 1,5- 2 lít nước; không sử dụng thuốc lá và rượu bia; tập thể dục thể thao hằng ngày để tăng cường sức đề kháng; giữ tâm trạng luôn ổn định, thoải mái, tránh căng thẳng.