Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng vừa nâng cao vai trò của y tế cơ sở vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại một trạm y tế của thành phố Cần Thơ.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây về Nâng cao năng lực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khen ngợi tỉnh Bắc Giang thời gian qua nỗ lực quyết liệt trong công tác nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở, nhất là trong lĩnh vực phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Những kinh nghiệm hay từ mô hình quản lý các bệnh không lây nhiễm của tỉnh này được bác sĩ Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, chia sẻ với hội nghị.
Tính đến hết quý I năm 2018, Bắc Giang quản lý, điều trị cho hơn 86.000 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD và một số bệnh khác. Riêng với bệnh tăng huyết áp, có hơn 53.500 bệnh nhân được quản lý; trong đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh chỉ còn quản lý hơn 1.400 bệnh nhân (chiếm 2,6%), phần lớn được quản lý ở tuyến dưới, với tuyến huyện là 16.000 bệnh nhân, các đơn vị y tế ngoài công lập là 18.000 bệnh nhân và mạng lưới y tế xã là 17.000 bệnh nhân (với 187/230 trạm y tế thực hiện quản lý bệnh nhân tăng huyết áp tại trạm). Về bệnh lý tiểu đường, có gần 15.000 bệnh nhân được quản lý ở các tuyến y tế khác nhau, trong đó, tuyến tỉnh chỉ quản lý hơn 12% bệnh nhân, còn lại là tuyến huyện và các đơn vị ngoài công lập. Năm 2018, tỉnh cũng đã triển khai điều trị ngoại trú bệnh nhân đái tháo đường, COPD và hen phế quản cho các trạm y tế.
Quá trình tạo nên những kết quả đáng ghi nhận của Bắc Giang trong việc triển khai mô hình quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2003, mô hình được triển khai tại BV Đa khoa tỉnh; năm 2007, mô hình này được chuyển xuống các BV huyện và cơ sở ngoài công lập. Đến năm 2011, chuyển tiếp mô hình này xuống xã và cơ sở ngoài công lập.
Theo bác sĩ Ong Thế Viên, kinh nghiệm từ mô hình là chỉ đạo triển khai, quản lý theo hệ điều trị, từ tuyến tỉnh xuống huyện xuống trạm y tế xã và hệ thống ngoài công lập. Giai đoạn đầu, Sở Y tế tỉnh phối hợp với các BV chuyên khoa tập huấn cho bác sĩ xây dựng quy trình quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Các đơn vị muốn triển khai phải cử cán bộ đến tuyến trên thực tập từ 2-3 tháng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Yếu tố quyết định sự thành công của mô hình chính là bệnh nhân điều trị tại xã vẫn tiếp cận phác đồ điều trị, thuốc men y như BV tỉnh, giúp người bệnh yên tâm. Từ 3-6 tháng, bệnh nhân lại lên tỉnh kiểm tra tổng trạng, đánh giá hiệu quả điều trị ở tuyến xã để điều chỉnh cho phù hợp. Quy trình thuận tiện, hiệu quả này là những lý do khiến bệnh nhân ở xã không muốn lên huyện nữa. Hiệu quả bước đầu của mô hình lan tỏa đến các địa phương, nhiều ý kiến đồng thuận với cách làm của ngành y tế Bắc Giang và mong muốn mô hình triển khai rộng khắp để bà con được khám chữa bệnh gần nhà, giảm chi phí.
Theo các đại biểu tại hội nghị, lợi ích thiết thực từ mô hình quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở của Bắc Giang cho thấy, đây là biện pháp không chỉ đem lại lợi ích cho người bệnh, mà còn giúp bảo tồn quỹ BHYT. Bởi lẽ, việc chuyển người bệnh từ tuyến trên về cơ sở, thì chi phí của người bệnh BHYT tại phòng khám tư nhân và y tế cơ sở thấp hơn rất nhiều so với tuyến tỉnh và Trung ương. Bắc Giang tổng kết, với một lần khám bệnh của bệnh nhân tăng huyết áp, ở tuyến xã có chi phí dưới 100.000 đồng, ở tuyến huyện cao hơn, với mức 150.000 đồng và ở tuyến tỉnh lại có chi phí lên đến 250.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc điều trị tại y tế cơ sở giúp kết nối chặt chẽ giữa cán bộ y tế và bệnh nhân, bệnh nhân nâng cao hơn ý thức tuân thủ điều trị lâu dài, thường xuyên, liên tục. Song song đó, cán bộ y tế tuyến dưới và tuyến trên cũng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, để khi có những tình huống cấp bách của bệnh nhân cần xử trí thì tuyến dưới sẽ nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của tuyến trên. Bác sĩ Ong Thế Viên khẳng định, tuyến y tế cơ sở công lập và ngoài công lập có thể quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm, thu hút bệnh nhân ngày càng đông, nhưng vẫn bảo đảm nguồn quỹ BHYT.
Tại Cần Thơ, từ giữa năm 2017 đến nay, 10/85 trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai mô hình, do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố làm đầu mối chỉ đạo, hỗ trợ. Theo đó, trạm y tế tổ chức phòng khám, phát hiện sớm và cung cấp các dịch vụ: Đánh giá, tư vấn cho các trường hợp thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, đường máu; Tư vấn, quản lý, điều trị và theo dõi các trường hợp tăng huyết áp, đái tháo đường. Hằng tháng, mỗi xã, phường tổ chức khám và cấp thuốc duy trì cho bệnh nhân, đồng thời kiểm tra việc điều trị. Khám phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ các bệnh: tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, rối loạn đường máu tại cộng đồng, hướng dẫn đến trạm y tế điều trị. Lập hồ sơ sổ sách quản lý và theo dõi, tư vấn, chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm; bảo đảm các bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc liên tục suốt quá trình bệnh. Qua đó, thiết lập hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; giảm biến chứng, tử vong sớm do bệnh tim mạch và đái tháo đường; giảm khoảng trống điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.