Chuyên sâu mắt trẻ em
Trước đây, ở khu vực ĐBSCL, trẻ em bị các bệnh lý như lé, quặm, đục thủy tinh thể, sụp mi… đều phải lên TP Hồ Chí Minh điều trị. Trong khi đó, các bệnh lý này phải tái khám nhiều lần nên rất tốn kém thời gian, chi phí đi lại. Nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện chữa trị nên đành chịu.
Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ khám mắt cho trẻ bị lé. Ảnh: H.HOA
Đưa con đến khám tại phòng khám mắt trẻ em, cha cháu Huỳnh Lê, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Lúc cháu còn nhỏ, gia đình phát hiện cháu bị lé, đưa cháu đến BV tỉnh nhưng ở đó không điều trị lé cho trẻ em. Gia đình neo đơn, phải lo kiếm sống, không có điều kiện đưa cháu lên TP Hồ Chí Minh chữa trị. Mới đây, nghe người quen nói ở BV M-RHM Cần Thơ có khám, điều trị, gia đình vội đưa cháu lên đây”.
Nhiều gia đình ở đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang và nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng lặn lội đưa con đến khám, điều trị lé. Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa Mắt trẻ em, BV M-RHM TP Cần Thơ cho biết, việc thành lập Khoa Mắt trẻ em, tạo điều kiện phát triển điều trị chuyên sâu các bệnh lý mắt của trẻ em. Thời gian tới, Khoa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức các bệnh lý về mắt ở trẻ em để người dân hiểu, đưa các cháu đi khám và điều trị sớm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc BV M-RHM TP Cần Thơ, Khoa Mắt trẻ em ra đời với nội lực của BV và sự hỗ trợ của dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi tại ĐBSCL”. Dự án đã hỗ trợ đưa bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo tại TP Hồ Chí Minh; trang bị các thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị để thành lập Khoa Mắt trẻ em. Bác sĩ Lý Hồng Khiêm, Phó phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Y tế Cần Thơ cho biết thêm, định hướng lâu dài của ngành y tế Cần Thơ là tách BV mắt thành BV chuyên khoa riêng.
Hiện nay, dưới sự hỗ trợ của dự án, BV M-RHM TP Cần Thơ cũng đang tổ chức khám, phẫu thuật các bệnh lý về mắt: đục thủy tinh thể, lác/lé, sụp mi, quặm mi, tạo hình mi… cho trẻ em dưới 16 tuổi ở khu vực ĐBSCL. Trong tháng 9-2018, có đợt phẫu thuật lác/lé miễn phí do các chuyên gia nước ngoài phụ trách. Tất cả bệnh nhân đều được miễn phí từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Orbis.
Phát hiện và điều trị sớm
Theo bác sĩ Đường Thị Anh Thơ, chức năng thị giác của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Vì thế khi có bất cứ cản trở nào về thị giác, trẻ dễ có nguy cơ nhược thị. Nhược thị là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng một mắt hoặc hai mắt bị giảm thị lực do não và mắt không phối hợp tốt. Nhìn bề ngoài mắt có vẻ bình thường nhưng thật ra não đã không tiếp thu hình ảnh do nó gửi về. Nhược thị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Nhược thị được điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao, nếu không được điều trị đến qua 16 tuổi gây nên tình trạng nhược thị sâu nghĩa là mắt giảm thị lực không có khả năng phục hồi.
Theo các bác sĩ, ở trẻ nhỏ, nhiều bệnh lý mắt nếu được phát hiện sớm, việc điều trị đơn giản và phục hồi tốt. Chẳng hạn như bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, phẫu thuật đơn giản, phục hồi thị giác cho bé. Hay bệnh lé, nhiều phụ huynh cho rằng chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhìn không đẹp mà không biết rằng trong chuyên môn, lé làm lệch trục thị giác, bé chỉ nhìn bằng 1 mắt, không có thị giác 2 mắt nên mất khả năng nhận thức chiều sâu, không canh được khoảng cách chính xác giữa các vật, ảnh hưởng đến công việc, nghề nghiệp sau này. Hay như bệnh tắc lệ đạo bẩm sinh với biểu hiện trẻ bị chảy nước mắt liên tục, khi không điều trị, đọng nước mắt, dễ bị viêm nhiễm. Bệnh quặm mi, lông mi mắt cọ vào giác mạc lâu ngày gây trầy xước, tạo thành sẹo giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác và thẩm mỹ vĩnh viễn. Những bệnh lý này, nếu phát hiện sớm, được điều trị kịp thời, thị giác của trẻ vẫn phát triển bình thường.
Ở trẻ em, tỷ lệ các bé bị cận thi, viễn thị, loạn thị khá cao so với các bệnh lý khác về mắt. Nếu các cháu được khám, đeo kính phù hợp thì phát triển bình thường. Nếu không phát hiện sớm, trẻ có nguy cơ bị nhược thị, không phát triển thị giác, dẫn đến suy giảm chức năng thị giác.
Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đi khám mắt ngay sau khi sinh và định kỳ mỗi năm một lần. Ngoài ra, khi nhìn vào mắt trẻ, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần cho trẻ đi khám chuyên khoa ngay lập tức. Một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm là đồng tử trắng, còn gọi là mắt trắng, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay. Ngoài ra, cha mẹ có thể quan sát mắt trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất thường như sụp mi, lông mi mắt cọ vào giác mạc, chảy nước mắt liên tục, lé… cần cho trẻ đi khám và điều trị ngay.