Điều trị vết loét tì đè cho bệnh nhân nằm lâu

Thứ tư, 25 Tháng 7 2018 09:21 (GMT+7)
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vừa triển khai kỹ thuật mới điều trị vết loét tì đè vùng cùng cụt cho bệnh nhân bị tai biến, chấn thương cột sống, phải nằm lâu không cử động được.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau ghép da điều trị vết loét. 

Cách nay 4 tháng, em Ng. H. Nh. (16 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) trên đường đi học về, không may bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống, liệt hai chân. Trong quá trình nằm viện, do Nh. không cử động được, nên xuất hiện vết loét vùng cùng cụt, lúc đầu nhỏ nhưng dần lan rộng. Dì ruột của Nh. cho biết, cảnh nhà đơn chiếc nên dì và mẹ Nh. thay phiên nhau chăm sóc cháu. Việc xoay trở tư thế nằm cho bệnh nhân khá khó khăn, nên cố lắm, mỗi ngày chỉ đổi tư thế cho Nh. từ 2 đến 3 lần. Do nằm lâu, hơn một tháng trước, vết loét nhiễm trùng, chảy dịch, gia đình đưa Nh. đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu - Khoa Ngoại chấn thương - bác sĩ trực tiếp thực hiện kỹ thuật mới, cho biết, bệnh nhân Nh. được chỉ định chuyển vạt da mông khi nhập viện trong tình trạng có vết loét rộng khoảng 6 x 8cm vùng cùng cụt, ổ loét dơ, nhiều mô hoại tử, dịch có mùi hôi. Sau một tuần phẫu thuật, vạt da ghép sống tốt, đang tiếp tục được chăm sóc.

Các vết loét vùng tì đè thường gặp ở những điểm chịu lực khi nằm như vùng cùng cụt, khuỷu tay, bả vai, gót chân, mắt cá chân. Trong đó, vết loét tì đè vùng cùng cụt, rất khó chăm sóc và kết quả kém nhất. Theo các bác sĩ, nếu chăm sóc không tốt, thời gian xuất hiện vết loét ở bệnh nhân nằm lâu chỉ khoảng 3 – 5 ngày. Vết loét thường gặp ở người già hạn chế xương khớp, không vận động được; người bị liệt sau chấn thương, có nhiều dạng: liệt do chấn thương cột sống, liệt do gãy xương không điều trị bằng phẫu thuật mà cố định bất động bệnh nhân tại giường.

Dựa trên mức độ tổn thương, loét tì đè được chia làm 4 cấp độ. Theo đó, ở mức độ 1 và 2, vùng da tì đè có dấu hiệu nổi lên vết rộp màu hồng hay như vết trầy, phồng rộp. Loét ở mức độ 3- 4 khi có tổn thương hoàn toàn bề dày của lớp da, gây hoại tử, có khi lan rộng đến cả vùng cơ, xương, khớp.

Ở mức độ loét 1 và 2, vết loét có thể được chữa lành nhờ chăm sóc đúng cách, với hướng dẫn của bác sĩ, như: dùng gạc vô trùng lau chùi nhẹ nhàng vết thương để loại bỏ dịch mô, mủ, tế bào hoại tử, tế bào chết; chấm nhẹ để làm sạch mà không gây tổn thương vết loét; sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch vết loét, nhưng không sử dụng dung dịch kháng khuẩn vì nó có thể phá hủy các tế bào bình thường khác; sau đó, băng và bảo vệ vết loét bằng sản phẩm chuyên dụng, ngăn không cho thấm nước, ngừa vi khuẩn, làm lành nhanh. Vết loét sẽ tiến triển tích cực bắt đầu từ dấu hiệu khô bề mặt và lành dần. Bên cạnh đó, xoa bóp xung quanh vết loét để cải thiện tuần hoàn khu vực bị tổn thương.

Đối với những vết loét ở mức độ 3- 4, khi đã có tổn thương sâu và hoại tử, thì cần thiết can thiệp ngoại khoa để giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, tổn thương ăn sâu hơn vào xương. Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu cho biết, trước đây khi Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chưa triển khai kỹ thuật chuyển vạt da mông, đối với những trường hợp loét da vùng tì đè, bác sĩ chỉ có thể can thiệp điều trị bằng cách nâng cao tổng trạng người bệnh, cắt lọc, làm sạch vết thương, điều trị kháng sinh cho vết loét ổn định rồi cho về nhà để người thân tiếp tục chăm sóc. Nếu chăm sóc không tốt, việc thay băng không đảm bảo vệ sinh, vết loét dễ lan rộng, có thể gây nên nhiễm trùng huyết, dẫn đến nguy cơ tử vong. 

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ lần đầu tiên triển khai kỹ thuật chuyển vạt mông lớn che phủ để điều trị lành vết loét, giúp vùng cùng cụt có lớp cơ đệm, hạn chế tái phát loét sau này. Kỹ thuật mới này mở ra cơ hội cho bệnh nhân phải nằm lâu, có vết loét vùng tì đè được điều trị cải thiện thương tổn. Để thực hiện kỹ thuật này, đòi hỏi bác sĩ làm kỹ thuật có chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh được những vết loét ở bệnh nhân liệt, nằm lâu là dự phòng và xử lý vết loét ở những dấu hiệu đầu tiên. Đối với những bệnh nhân có vết loét tì đè, người nhà phải tích cực phối hợp với cán bộ y tế, thường xuyên xoay trở người bệnh nhân với các tư thế nằm ngửa, nằm sấp và nằm nghiêng, khoảng 30 phút xoay trở một lần. Ngoài ra, thường xuyên xoa bóp quanh vùng tì đè cho bệnh nhân, nhưng không được xoa bằng dầu gió, dầu nóng. Nếu gia đình có điều kiện, thì dùng băng đệm silicon dán giữ ẩm vùng da tì đè và làm giảm sang chấn, tăng cường máu tưới. 

Nguồn: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe