70% xã có khám bệnh YDCT
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24- CT/TW (ngày 4.7.2008) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, hệ thống chăm sóc sức khỏe YDCT được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến.
Đến năm 2018, cả nước có 58 bệnh viện YDCT tuyến tỉnh (3 tỉnh có 2 bệnh viện và 7 tỉnh chưa có bệnh viện YDCT). Hệ thống khoa và tổ YDCT trong bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh tăng 82,3%; tuyến huyện tăng 93,13% vào năm 2017.
Điều trị bằng điện châm tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư. Ảnh: Diệu Linh
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 24 (2008-2018) vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, công tác YDCT thời gian qua đã phát triển khả quan. Hệ thống mạng lưới về khám chữa bệnh bằng YDCT từ T.Ư đến địa phương dần được củng cố và phát triển, chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YDCT với y học hiện đại ngày càng được chú trọng. Công tác khám chữa bệnh YDCT tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm. Công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Tại tuyến cơ sở, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh YDCT tăng 23,99% so với năm 2008. Tỷ lệ các xã đã triển khai khám chữa bệnh YDCT được thanh toán BHYT đạt 70,18%...
Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục YDCT, Bộ Y tế cũng thừa nhận, tỷ lệ khám chữa bệnh YDCT, kết hợp YDTC với y học hiện đại riêng ở tuyến tỉnh giảm (năm 2008 là 10,68%, giảm còn 8,86% năm 2017). Tỷ lệ này ở các tuyến chưa đạt chỉ tiêu đề ra… Số giường bệnh cho YDCT tăng gấp hai lần so với năm 2008, tuy nhiên tỷ lệ giường bệnh cho YDCT so với tổng số giường bệnh chung của tuyến tỉnh có xu hướng giảm đi.
Dù nhân lực làm công tác YDCT ở tất cả các tuyến tăng, song so với nhân lực chung của ngành y tế lại giảm, từ 7,94% vào năm 2013 xuống còn 7,32% vào năm 2017. Tỷ lệ nhân lực YDCT có trình độ chuyên sâu đến năm 2017 chỉ đạt 5,69% so với nhân lực y tế nói chung...
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành đã xuất hiện những hạn chế nhất định đối với sự phát triển của YDCT Việt Nam. Nhiều văn bản đang dừng ở mức độ “chủ trương”, “đường lối”, chứ chưa có những quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng gặp khó trong tuân thủ, thực hiện…
Cần phát triển cân bằng giữa hiện đại và cổ truyền
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khám chữa bệnh BHYT bằng YDCT, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng đã tổ chức hội nghị trao đổi thông tin giữa hai bên. Theo đại diện Cục Quản lý YDCT, còn nhiều hạn chế trong thanh toán BHYT như việc cung ứng đấu thầu dược liệu, vị thuốc còn hiện tượng sử dụng chưa đúng giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu nuôi trồng trong nước chưa rõ ràng; giá trúng thầu thuốc của các tỉnh, thành phố vẫn còn chênh lệch; đa số dược liệu, vị thuốc chưa được cấp số đăng ký.
Còn theo đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), hiện nay công tác khám chữa bệnh BHYT trong lĩnh vực YHCT còn nhiều bất cập như tần suất dịch vụ kỹ thuật tăng cao hơn bình thường, mã bệnh như nhau nhưng chi phí khác nhau. Tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh YDCT chỉ định rộng rãi, kéo dài thời gian điều trị không hợp lý, chỉ định điều trị nội trú cao, kê thêm nhiều giường bệnh... vẫn còn tồn tại. Tình hình sử dụng thuốc năm 2017 là 35 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2018 là 16 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện cũng cho rằng, số thẻ BHYT phân bổ cho bệnh viện YDCT còn thấp, việc thanh toán BHYT còn khó khăn do các thông tư, quyết định chưa thống nhất.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ, đây không phải lần đầu những khó khăn này được đặt ra nhưng chưa được tháo gỡ hợp lý. Các bệnh viện hiện nay đang hướng mọi vấn đề vào khó khăn, cơ chế chính sách BHYT nhưng thực tế bệnh viện vắng bệnh nhân không phải do BHYT. Ông Sơn cho rằng, vấn đề chính là sự phân chia trong hệ thống y tế, là mâu thuẫn của chính ngành y tế. Khi ngành y tế đẩy mạnh phát triển y học hiện đại thì đương nhiên người dân lựa chọn y học hiện đại và ít lựa chọn YDCT. Do đó, muốn phát triển cân bằng thì ngành y tế phải có chính sách để giúp cả YDCT và y dược hiện đại “cùng tiến”.