BV Tâm thần TP Cần Thơ, ở khu vực Bình Hòa A, phường Phước Thới, quận Ô Môn là BV chuyên khoa điều trị hiệu quả các bệnh lý tâm thần kinh.
Thống kê của BV, 6 tháng đầu năm 2018, BV tiếp nhận khám và điều trị gần 14.000 bệnh nhân tâm thần, với hơn 650 bệnh nhân điều trị nội trú. Đó là kết quả đáng ghi nhận của BV, đồng thời cho thấy số lượng bệnh nhân mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khá lớn. Bác sĩ CKI Thiều Quang Hùng, Phó Giám đốc BV Tâm thần TP Cần Thơ cho biết, BV tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh lý thường gặp như mất ngủ, trầm cảm, lo âu, động kinh, nhức đầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ngoài ra, BV còn thường xuyên tiếp nhận trẻ em chậm phát triển tâm thần, bị rối loạn tăng động, tự kỷ, rối loạn vận động và âm thanh, rối loạn cảm xúc hành vi; hoặc người già với các bệnh lý mất ngủ, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần. BV cũng điều trị rối loạn tâm thần có liên quan rượu và ma túy…
Nhiều năm qua, trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp tại cơ sở cũ ở đường 3-2 thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, BV vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân. Đến tháng 5-2017, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và ngành y tế, công trình BV Tâm thần TP Cần Thơ được khánh thành với quy mô 100 giường đưa vào sử dụng, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân mắc các bệnh lý về tâm thần kinh không chỉ ở thành phố mà còn cả các tỉnh ĐBSCL.
BV Tâm thần TP Cần Thơ là BV hạng III trực thuộc Sở Y tế thành phố. Với đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo chuyên khoa tâm thần cùng trang thiết bị đáp ứng nhu cầu điều trị, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò chức năng như: xét nghiệm huyết học, sinh hóa, đo điện tim, điện não, đo lưu huyết não, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý, test tìm chất ma túy trong nước tiểu phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, khám sức khỏe tâm thần làm di chúc, kết hôn với người có yếu tố nước ngoài và bổ sung các thủ tục hành chính khác. BV còn là nơi ứng dụng thành tựu khoa học trong điều trị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị chuyên khoa tâm thần tuyến dưới và là nơi giám định pháp y tâm thần theo yêu cầu của pháp luật. BV cũng là cơ sở thực hành của sinh viên các trường: Đại học Y dược, Cao đẳng Y tế, Đại học Tây Đô, Đại học Võ Trường Toản, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa tâm thần của thành phố và trong vùng.
Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần tại BV, BV Tâm thần TP Cần Thơ còn thực hiện chương trình quản lý, điều trị gần 3.000 bệnh nhân tâm thần mắc các bệnh động kinh, trầm cảm và tâm thần phân liệt tại 85 xã, phường, thị trấn của thành phố. Hằng tháng, cán bộ BV phụ trách tâm thần của quận tái khám, theo dõi quá trình điều trị và phục hồi chức năng của người bệnh để họ tái hòa nhập vào cộng đồng.
Phó Giám đốc BV- bác sĩ Thiều Quang Hùng cho biết thêm, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của người bệnh, sắp tới, BV tiếp tục phát triển nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực điều trị tâm thần như sốc điện tâm thần, siêu âm doppler xuyên sọ, máy kích thích từ xuyên sọ,… BV sẽ thành lập các khoa Nội thần kinh, rối loạn tâm thần trẻ em, các khoa điều trị tâm thần do nghiện chất, khoa phục hồi chức năng. Ngoài ra, phát triển lĩnh vực điều trị bằng tâm lý: thực hiện các liệu pháp phục hồi chức năng như lao động trị liệu, liệu pháp tâm lý như liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp âm nhạc, tâm lý gia đình, Đơn vị điều trị trẻ tự kỷ,…
Từ thực tế hoạt động khám chữa bệnh của BV, bác sĩ Thiều Quang Hùng nhận định, cùng với sự biến đổi đa dạng của mô hình bệnh tật trong cuộc sống hiện đại, tỷ lệ bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng trong cộng đồng, triệu chứng khởi phát thường gặp đầu tiên là mất ngủ, lo âu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến sa sút tinh thần, thậm chí có ý muốn tự sát; giảm sút khả năng lao động, học tập, giao tiếp xã hội, sinh hoạt cá nhân, gây gánh nặng tàn tật và tử vong cho gia đình và xã hội. Do vậy, ngay khi có những dấu hiệu ban đầu như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, lo âu, ăn uống kém, mệt mỏi,... người bệnh cần được thăm khám sớm và điều trị kịp thời. Cùng với đó là sự động viên, chăm sóc của người thân, giúp người bệnh tuân thủ điều trị, ổn định bệnh tình, giảm tái phát.