Nhân viên y tế hỗ trợ bà mẹ thực hành cho con bú đúng cách.
Bà Lê Thị Chiến, Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết: Những ngày đầu sau sinh, người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi do cơ thể suy yếu, áp lực về tâm lý sau sinh, nhất là ở những bà mẹ sinh mổ lại càng gặp khó khăn hơn do đau vết mổ, di chuyển khó, chưa biết cách cho con bú, núm vú phẳng như bị tụt vào trong. Đặc biệt, sản phụ sinh con lần đầu thường có những yếu tố về tâm lý như lo lắng, stress, trầm cảm, đôi khi có những sản phụ bị ảnh hưởng về tình cảm gia đình,... cũng tác động đến tình trạng tiết sữa, khiến chậm có sữa cho con bú. Do đó, gia đình cũng như nhân viên y tế cần hỗ trợ, tạo sự gần gũi, thân thiện, động viên để giảm lo lắng, căng thẳng cho sản phụ; cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách, tư vấn massage tuyến sữa để có đủ sữa cho con bú lúc này. Quy trình massage tuyến sữa cho bà mẹ sau sinh được Bệnh viện Phụ sản áp dụng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế có thể giúp bà mẹ kích thích tuyến sữa, tăng tiết sữa sớm, nhanh hơn, phòng tắc tia sữa sau sinh, cũng như giải áp lượng sữa còn tồn nếu bé bú không hết…
Vào những ngày đầu cho con bú, các bà mẹ cũng thường hay bị đau đầu vú. Tình trạng này là do tư thế bú không đúng và em bé ngậm bắt vú chưa tốt. Bà mẹ thử thay đổi tư thế. Tùy điều kiện, bà mẹ có thể cho bé bú ở tư thế nằm hoặc ngồi, đảm bảo thoải mái, thư giãn, con bú no và không bị đau. Khi em bé nằm đúng vị thế lúc bú, ngậm bắt vú đúng, bà mẹ sẽ thấy bé dễ dàng ngậm trọn vẹn đầu vú, miệng trẻ mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài, cằm trẻ chạm vào vú mẹ, bé thở tự nhiên, có thể nghe được em bé nuốt sữa. Trường hợp núm vú có biểu hiện nứt, bà mẹ lưu ý dùng nước ấm sạch để vệ sinh vú, lau khô bằng khăn mềm; cho bé bú bên vú còn lại, hạn chế cho bé bú bên vú bị tổn thương, chờ vết nứt lành rồi tiếp tục cho bé bú. Nếu đau quá không cho bé bú được, bà mẹ nên vắt sữa ra để tránh bị căng sữa.
Ngoài ra, một vấn đề mà các bà mẹ cho con bú hay gặp ở những tuần sau sinh là tắc tia sữa. Biểu hiện tắc tia sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường, càng lúc càng tăng lên gây đau nhức, sữa không tiết được ra ngoài hoặc chỉ tiết rất ít, dùng tay vắt cũng không ra sữa, bầu vú sờ vào thấy cứng, chắc, nóng ấm, bà mẹ còn có thể bị sốt nhẹ. Nếu không được xử trí kịp thời, tắc tia sữa sẽ dẫn đến áp xe vú. Nguyên nhân tắc tia sữa thường do ống dẫn sữa bị tắc, sữa quá nhiều mà bé bú không hết, gây ứ đọng sữa và viêm tắc. Trường hợp này, bà mẹ có thể dùng các biện pháp: chườm nóng bầu vú, massage tuyến sữa và vắt hết lượng sữa thừa, vệ sinh vú và cho bé ngậm bắt vú đúng (như đã nói ở trên). Nếu biểu hiện sưng, đau nhức quá nhiều, bà mẹ nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định.
Để phòng ngừa viêm tắc sữa và giữ bầu sữa tốt, bà mẹ sau khi sinh cần cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt, mẹ chưa có sữa hoặc ít sữa vẫn cho bé tiếp tục bú mẹ. Trước khi cho trẻ bú, vệ sinh sạch bầu vú, núm vú. Trường hợp sữa mẹ quá nhiều, trẻ bú không hết phải vắt hết lượng sữa thừa; cho trẻ bú hết vú bên này rồi sang vú bên kia. Đồng thời, quan tâm chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, để có đủ sữa cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.