Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân

Thứ ba, 07 Tháng 8 2018 15:56 (GMT+7)
Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) không chỉ dành riêng cho phụ nữ đã lập gia đình. Việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân giúp người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin; đồng thời, giúp hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ dị tật, khuyết tật ở con cái, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân

Khái niệm về “tiền hôn nhân” được hiểu là thời gian từ lúc một người bắt đầu trưởng thành đến khi lập gia đình; có thể bao gồm cả lứa tuổi vị thành niên- những người chưa trưởng thành về mặt tâm lý, xã hội nhưng đã phát triển về ccác cơ quan sinh sản, cũng được xem như đã bước vào thời kỳ tiền hôn nhân. Trong điều kiện cuộc sống vật chất đầy đủ, cũng như sự đáp ứng ngày càng nhanh, càng cao của thị trường văn hóa phẩm như hiện nay, tuổi trưởng thành đang được “trẻ hóa”. Tuy nhiên, việc chủ động tìm hiểu các vấn đề SKSS và chăm sóc SKSS tiền hôn nhân còn rất hạn chế, nguyên nhân do tâm lý ngại ngùng trước các vấn đề được xem là tế nhị hoặc không có sự đồng nhất tư tưởng giữa người nam và người nữ.

Không ít trường hợp vì thiếu hiểu biết về SKSS mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo ảnh hưởng đến các yếu tố khác như kinh tế, sức khỏe, tâm lý… lâu dài đe dọa hạnh phúc gia đình; sâu rộng sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội. Những rắc rối ấy, có thể dự phòng nhằm tránh hoặc giảm nhẹ rủi ro nếu người nam và người nữ được hướng dẫn và chăm sóc SKSS tiền hôn nhân tốt.

Cán bộ y tế tư vấn cho các cặp vợ chồng về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản.

BS. CKII Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, chia sẻ: “Hầu hết chúng ta khi bắt đầu một cuộc sống tình dục vốn chưa có kinh nghiệm trước đó. Việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống tình dục vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc hoặc lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sự hiểu biết và thực hiện những biện pháp sinh đẻ có kế hoạch không chỉ giúp kiểm soát được số con, khoảng cách giữa các lần sinh mà còn là một biện pháp bảo vệ sức khỏe và hình thức của người phụ nữ, tránh việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phải nạo phá thai”.

Hạn chế tỷ lệ trẻ mắc các bệnh di truyền và bệnh lây nhiễm

Đối với các cặp vợ chồng, việc trang bị đầy đủ những kiến thức về dự phòng bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con là hết sức quan trọng. Những bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi cần phải được phát hiện và điều trị sớm, thậm chí nếu không thể khắc phục thì cũng cần đề xuất một biện pháp là không nên sinh con nhằm tránh sinh ra những đứa trẻ dị tật, thiểu năng vừa là một nỗi đau của gia đình vừa trở thành gánh nặng của xã hội. Qua nhiều nghiên cứu di truyền cho thấy trong số các trường hợp dị tật bẩm sinh có khoảng 5% do đột biến gien di truyền, 5% do bất thường của nhiễm sắc thể, 90% do đa yếu tố.

Điển hình là hội chứng Down, đây là hội chứng thường gặp nhất trong các bất thường về nhiễm sắc thể và có tần suất xuất hiện xấp xỉ 1/700 trẻ sơ sinh. Hội chứng này thường hay gặp hơn ở con cái các bà mẹ lớn tuổi. Hay bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cũng là loại bệnh di truyền do biến đổi gien từ nhiều thế hệ trước, không hoặc rất ít đột biến mới. Người bị bệnh nặng khi kết hợp 2 gien bệnh của bố và mẹ (có gien bệnh trên cả hai nhiễm sắc thể). Có nghĩa điều này xảy ra khi cả hai cha mẹ đều là người mang gien bệnh. Những bệnh này sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh không cao. Chi phí khám chữa bệnh cũng gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hay do sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản, nhiều cặp vợ chồng đã sinh con bị dị tật không có não, thoát vị não, não úng thủy, bại não, dị tật cơ xương... chết ngay khi chào đời không phải hiếm; còn những đứa trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục... dù sống được nhưng nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân đứa trẻ, là gánh nặng cho gia đình và xã hội suốt đời.

Bệnh viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con là chủ yếu. Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm vi-rút viêm gan B có thể truyền sang bào thai. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60 - 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

Có thể thấy, việc chăm sóc SKSS trước hôn nhân là một việc cực kỳ quan trọng, không những trong việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mà còn góp phần giảm hậu quả xấu về mặt sức khỏe cho xã hội và cộng đồng. 

Nguồn: LÊ DUY - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe