Ngày 8-8, Bệnh viện (BV) quận 2 (TP HCM) đã khai trương Phòng khám Đa khoa (PKĐK) vệ tinh tại Trạm Y tế phường Thảo Điền. Phòng khám này gồm có các khoa cấp cứu, nội, ngoại, nhi, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt, sản, da liễu, y học cổ truyền, xét nghiệm, X-quang và được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như BV tuyến quận.
Người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ
Đây là PKĐK thứ 3 của BV này thực hiện theo mô hình PKĐK vệ tinh của BV quận đặt tại các trạm y tế. "Với mô hình này, người dân quận 2 và các vùng lân cận sẽ dễ dàng tiếp cận nhiều dịch vụ y tế của một BV đa khoa hạng 2 ngay tại trạm y tế mà không phải đến tận BV khám và điều trị, góp phần giảm tải cho các BV. Bước đầu đã có những kết quả khả quan khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB) ngày càng nhiều" - Giám đốc BV quận 2 Trần Văn Khanh chia sẻ và cho biết thêm đầu năm 2019, những phòng khám ở trạm y tế này sẽ có xe buýt đưa đón người dân đến KCB.
Theo ghi nhận, ngoài BV quận 2, kết quả khả quan nhất của việc đưa PKĐK về trạm y tế có lẽ đang diễn ra ở Trạm Y tế phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức). Những ngày này, đến Trạm Y tế phường Bình Chiểu, ai cũng dễ dàng nhận thấy lượng bệnh nhân đến đây khám đông không thua gì các BV tuyến quận nào. Các bệnh nhân tìm đến có rất đông là công nhân làm việc tại các KCN ở Bình Dương bởi đây là địa bàn giáp ranh giữa TP HCM và Bình Dương. "Ngoài hệ thống các phòng - khoa (kể trên), tại đây còn có cả chạy thận nhân tạo. Chưa kể phòng ốc còn sạch sẽ, y - bác sĩ (BS) tận tình nên đi khám bệnh ở đây thật sự yên tâm và hài lòng" - bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh nhận xét khi vừa khám thai xong nhận xét.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết hiện mỗi ngày BV tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân nên xảy ra tình trạng quá tải. Để giải quyết tình trạng này, BV quận Thủ Đức đã dùng nguồn quỹ đầu tư phát triển của mình để xây dựng, nâng cấp các trạm y tế trên địa bàn, đồng thời chuyển trang thiết bị, nhân lực của BV xuống cơ sở, chăm sóc điều trị cho người bệnh. Nhóm bệnh mạn tính hoặc những bệnh cảm cúm thông thường có nhu cầu khám, lấy thuốc đã được tiếp nhận chữa trị tại trạm y tế.
Mới khai trương nhưng Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm Y tế phường Thảo Điền (quận 2, TP HCM) đã có đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Nâng chất hàng trăm trạm y tế
Tại buổi lễ khai trương PKĐK vệ tinh tại Trạm Y tế phường Thảo Điền, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, khẳng định TP đang triển khai tăng cường BS về trạm y tế. Ông Thượng cũng đặt hàng BV quận 2 là trong thời gian tới sẽ xây dựng mô hình trạm y tế một điểm dừng và có xe cấp cứu tại phòng khám.
Nói về hình thức đưa PKĐK về trạm y tế, ông Thượng cho rằng đây là một sáng kiến hay của BV tuyến quận. Theo ông, hiện nay mô hình KCB của Việt Nam đang đi theo hình tháp ngược, bệnh nhân dồn về tuyến cuối trong khi tuyến y tế cơ sở lại chỉ chiếm 4%-6% người bệnh tới khám và điều trị. Việc đưa các chuyên khoa sâu và nhân lực chuyên môn của BV về trạm y tế phường sẽ góp phần thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho BV tuyến trên để tuyến trên có thời gian thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, khẳng định phân nửa trong số 24 BV quận - huyện đang quá tải. Vì vậy, sở xác định trạm y tế là cánh tay nối dài "chia lửa" quá tải cho các BV nên ngành y tế TP chủ động củng cố cho trạm y tế. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi trạm y tế phải có 2 BS, riêng 3 trạm y tế kiểu mẫu đang triển khai thí điểm theo mô hình của Bộ Y tế thì phải đạt từ 4 - 5 BS/trạm.
"Chúng tôi sẽ triển khai nhanh, hiệu quả về mô hình này" - giám đốc Sở Y tế TP khẳng định.
Sẽ không còn cảnh nhân viên trạm y tế ngồi không!
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sắp tới đây, y tế từ tuyến tỉnh trở lên tập trung thực hiện những dịch vụ y tế chuyên môn kỹ thuật cao chứ không phải suốt ngày khám chữa những bệnh lặt vặt như tiêu chảy cấp, đo huyết áp, nhức đầu, sổ mũi… Nhiệm vụ này phải giao về cho trạm y tế xã, phường để nhân lực nơi này không còn cảnh ngồi không!