Liên quan đến vụ nhiều người ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) nghi bị nhiễm HIV do thầy thuốc dùng chung bơm kim tiêm, ngày 13-8, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm các chuyên gia của Cục Phòng chống HIV/AIDS và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có mặt tại địa phương để làm rõ vụ việc.
Lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết chưa thể khẳng định nguồn lây nhiễm HIV
Sau khi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, cuối giờ chiều 13-8, UBND tỉnh Phú Thọ đã triệu tập cuộc họp, nghe đại diện Sở Y tế và Trung tâm y tế huyện Tân Sơn báo cáo, đồng thời nghe ý kiến các chuyên gia từ Bộ Y tế để đánh giá tình hình, đảm bảo sức khoẻ, tinh thần cho người dân nói chung, nhất là những người nhiễm HIV.
Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, từ năm 2017 đến đầu năm 2018, ngành y ghi nhận có những bệnh nhân bị chết vì nhiễm HIV/AIDS nên đã chủ động thực hiện các đề tài xét nghiệm, làm test nhanh, truy vấn nguyên nhân để tập trung về Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh xét nghiệm.
Trong số 490 người được xét nghiệm, đã phát hiện 42 người ở xã Kim Thượng bị nhiễm HIV. 3 năm qua, có 5 người dân ở xã này tử vong vì bệnh HIV/AIDS. "Xã Kim Thượng, đây là xã miền núi khó khăn, 97% đồng bào dân tộc, 85% đồng bào dân tộc Mường, địa bàn khó khăn, địa hình chia cắt, trình độ dân trí thấp. Hiện chưa thể khẳng định được nguyên nhân lây bệnh. Đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này" - ông San đề xuất.
Đại diện UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị chuyên gia Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguyên nhân
Trả lời báo chí về thông tin hàng chục người nghi lây nhiễm HIV từ cơ sở y tế chưa cấp phép có thể do dùng chung kim tiêm, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết con số 42 người mới phát hiện nhiễm HIV ở xã Kim Thượng có thể là mới nhiễm gần đây cũng có thể là con số tích luỹ từ thời gian trước. Hiện các cơ quan y tế chưa đủ cơ sở để kết luận nguồn lây nhiễm. "Người chết bị nhiễm AIDS tức là đã nhiễm nhiều năm, trong khi đó chúng tôi đến thăm một gia đình thì chị ấy nói không phải do người y sĩ đó, mà bị ốm cách nay 1 năm rồi. Chị đó đến gặp anh y sĩ đó mới từ tháng 2 vừa rồi. Trong 6 tháng, không thể chuyển từ HIV sang AIDS được. Tôi rất mừng, sau khi được tư vấn, chị đã dùng thuốc 2 tháng nay, tư tưởng vững vàng. Sau 2 tháng, chị này đã tăng 7 kg. Chị này hiện nay đang yên tâm điều trị. Bằng thông tin hiện có, hiện chưa có đủ thông tin kết luận hay định hướng về nguồn lây nào"- ông Long nói.
Đại diện Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng cho biết các vụ, viện chức năng sẽ tìm hiểu khảo sát từng trường hợp cụ thể để có thể kết luận nguyên nhân mắc bệnh của họ. Cùng đó địa phương sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để điều tra dịch tễ làm rõ thông tin. Dự kiến việc điều tra này có thể kéo dài 2 tháng mới có kết luận.
Trước đó, dư luận xôn xao về vụ việc nhiều người ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn) nghi bị nhiễm HIV sau khi điều trị tại nhà riêng của một y sĩ. Sự việc bắt nguồn từ một nữ bệnh nhân dân tộc Mường ở khu Chiềng 3, xã Kim Thượng được phát hiện nhiễm HIV. Bệnh nhân này cho biết trước đó chưa từng đến cơ sở y tế nào để thăm khám mà chỉ tiêm và điều trị tại nhà y sĩ Th. cùng xã. Người dân nghi ngờ có thể y sĩ Th. đã sử dụng bơm kim tiêm dành cho người nhiễm HIV, sau đó không thay mà dùng tiếp để tiêm cho nhiều bệnh nhân.
"Theo thống kê, cả nước có 61 xã có tỉ lệ người nhiễm HIV như tại xã Kim Thượng. Bất cứ ai nhận thông báo nhiễm HIV đều bị sốc. Vì thế cần làm tốt khâu tư vấn, trong đó có việc tuân thủ uống thuốc ARV thì người bệnh sống khỏe mạnh, điều trị ngay tại nhà để người dân không bị hoảng loạn. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí đưa thông tin đúng, không để gây hoang mang, lo lắng tinh thần của những người không may nhiễm HIV"- ông San nói.